Tăng cường phòng chống bệnh dại trên người
Ngày 25/3, Sở Y tế có văn bản đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại.
Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý kịp thời. Thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan thú y để chủ động phòng, chống bệnh dại; phối hợp trong công tác chống dịch, điều tra dịch tễ khi có phát sinh ca bệnh dại trên người. Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Hướng dẫn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.
Người dân đến tiêm phòng chống bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyên trên đài phát thanh huyện, thành phố, thị xã về tình hình bệnh dại, mức độ nguy hiểm, cách phòng chống để người dân biết, chủ động phòng chống cho bản thân và gia đình khi bị chó, mèo nghi dại cắn. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, tuyệt đối không được sử dụng các phương pháp chuyên môn, kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép hoạt động khám và điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn. Rà soát, công khai thông báo các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin, huyết thanh phòng dại trong địa bàn quản lý để thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng.
Theo Báo cáo của Cục Y tế dự phòng, năm 2023 cả nước ghi nhận 82 người chết do bệnh dại (tăng 12 trường hợp so với năm 2022), tại 30/63 tỉnh/TP. Hầu hết là do người dân chủ quan (98,8%) không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh Dại sau khi bị chó cắn, chỉ có 01 trường hợp có tiêm vắc xin nhưng không tiêm huyết thanh kháng dại, đặc biệt có một số người còn dùng thuốc đông y để điều trị dự phòng. Từ đầu năm 2024 đến nay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận sự gia tăng đột biến với 22 người tử vong do bệnh dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2023 tại Đắk Lắk (4 ca), Long An (3 ca), Quảng Bình (02), Bình Thuận (02 ca) và các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Nghệ An, Bến Tre, Cà Mau, Ninh Thuận, Phú Yên, Gia Lai (1 ca).
Hải Hà