Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Quan trọng và cần thiết
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là một trong những yếu tố cần thiết và quan trọng có thể giúp các cặp đôi phát hiện sớm và điều trị nhiều căn bệnh nguy hiểm, sinh ra những đứa con khỏe mạnh, tránh những hậu quả đáng tiếc sau này. Điều này giúp giảm thiểu hệ lụy cho đời sống hôn nhân gia đình.
Nhìn con trai 12 tuổi nhưng cơ thể nhỏ như bé 9-10 tuổi, da xanh xao do thiếu máu, không tham gia được các hoạt động thể lực mạnh, chị Nguyễn Thị M, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ lại tự trách mình. Bởi nếu chị và chồng đi khám sức khỏe trước khi kết hôn sẽ biết được có khả năng sinh con ra bị bệnh tan máu bẩm sinh. Ngay từ khi được sinh ra, bé N.Đ.T., con trai chị M đã được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là căn bệnh nguy hiểm, muốn duy trì sự sống phải thường xuyên truyền máu, thải sắt, tuổi thọ không cao…
Tuyên truyền cho các cặp vợ chồng trẻ về sức khỏe tiền hôn nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Một hệ lụy khác của việc không đi khám sức khỏe tiền hôn nhân đó chính là vô sinh, hiếm muộn. Thực tế, nhiều cặp vợ chồng trẻ không đi kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn đã gặp khó khăn trong vấn đề mang thai và sinh con. Trường hợp của chị Lê Thu T (22 tuổi, ở Thanh Hà) là một ví dụ. Chị T cho biết: "Trước khi cưới, em có gợi ý bạn trai đi khám nhưng anh ấy tỏ ra khó chịu, nghĩ là em không tin tưởng về sức khỏe của anh ấy. Kết quả là cưới nhau được hơn 2 năm, em không có thai. Khi đi khám, bác sĩ cho biết, chồng em bị khiếm khuyết nhiễm sắc thể. Giờ muốn có con chúng em phải làm dịch vụ sinh sản, rất tốn kém".
Trước những báo động về tình trạng sức khỏe sinh sản ở người trẻ tuổi, các chuyên gia y tế cho rằng, người trẻ cần được tiếp cận sớm với các dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn. Theo các chuyên gia, sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên được coi là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.
Chị Phan Thị Hương - Phòng dân số (Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh) cho biết: Nhằm trang bị những kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên (SKSS VTN), hàng năm Chi cục Dân số-KHHGĐ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Sở Giáo dục & Đào tạo, Tỉnh Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Hải Dương tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Triển khai và duy trì mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 12 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 390 câu lạc bộ tiền hôn nhân. Mô hình thí điểm "hỗ trợ trẻ em gái" tại 05 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 34 câu lạc bộ; đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên tại 6 huyện với 128 xã. Mô hình mất cân bằng giới tính khi sinh, năm 2023 ngành y tế đã tổ chức 23 lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh cho 242 người; tổ chức 211 buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh và sức khỏe sinh sản cho 9.945 người; viết và phát trên đài phát thanh tỉnh, huyện, xã 1.447 tin bài; cấp phát 2.700 tờ gấp tuyên truyền, rà soát 39 văn bản quy định, quy ước của địa phương... Việc triển khai thực hiện các mô hình, đề án đã góp phần cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên.
Tuy nhiên, công tác tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn hiện chủ yếu mới dừng ở bước tư vấn, tỷ lệ các cặp đôi được khám sức khỏe trước khi kết hôn còn thấp (khoảng 8%). Phần lớn các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn chưa nhận thức được lợi ích, vai trò của việc khám sức khoẻ trước khi lập gia đình. Tâm lý e ngại và lo lắng khi phải thực hiện một số quy trình khám nhạy cảm cũng là tâm lý chung khiến nhiều bạn trẻ e ngại với việc kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân. Ngoài ra, một số trường hợp còn lo lắng nếu phát hiện ra bệnh tật thì sẽ ảnh hưởng đến tình yêu, ảnh hưởng tình cảm giữa các cặp đôi. Giải pháp đối với các lo ngại này, theo các chuyên gia y tế, cả nam, nữ nên khám sức khỏe trước hôn nhân tối thiểu từ 3-6 tháng trước khi kết hôn, phát hiện và điều trị bệnh tật (nếu có) để có thời gian chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống sau khi kết hôn.
Với mục tiêu đến năm 2030 “tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%", rất cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tích cực vào cuộc của các ban, ngành và toàn xã hội cùng chung tay để tuyên truyền, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, giúp vị thành niên, thanh niên có một sức khỏe tốt nhất cho cuộc sống gia đình và sự nghiệp trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Hải Hà