Đề phòng bệnh truyền nhiễm sau mưa ngập
Cùng với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, Hải Dương đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân do mưa lớn gây ngập lụt. Những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa đe dọa sức khỏe cộng đồng như: bệnh đường tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn khác), bệnh đường hô hấp, bệnh đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Mưa lớn ngập lụt là nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm
Để đề phòng nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch trong những ngày mưa lớn gây ngập, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chú ý đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ đối với bệnh nhiễm trùng lây qua đường ăn uống. Vì thế, để phòng ngừa những bệnh này, mỗi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống thật tốt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và tiêm chủng đầy đủ.
Chú ý bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cần thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Không ăn các thức ăn có dấu hiệu ôi thiu, thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn. Sau mưa ngập, các địa phương, gia đình cần nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường, chôn lấp xác động vật, lau dọn nhà cửa bằng hóa chất tẩy rửa để đề phòng ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm. Ngoài Chloramin B, người dân có thể dùng phèn chua, vôi để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn. Sau 30 phút, cặn lắng xuống đáy có thể gạn lấy nước trong dùng nhưng vẫn phải đun sôi mới uống được.
Hải Đường (Tổng hợp)