A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy cơ dịch sốt xuất huyết tăng mạnh

Liên tiếp những ngày trong tháng 7 vừa qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) và nhiều chùm ca bệnh.

 

Liên tiếp xuất hiện các ổ dịch và chùm ca bệnh

 

Huyện Thanh Hà là một trong những địa phương ghi nhận liên tiếp các ổ dịch SXH. Thống kê của Trung tâm Y tế huyện từ đầu năm đến hết ngày 31/7 ghi nhận 39 ca mắc SXH ở 9 xã, thị trấn. Chỉ riêng trong tháng 7/2024, huyện Thanh Hà đã ghi nhận 3 ổ dịch SXH với 28 người mắc thuộc các xã: Thanh Quang (19 ca), Thanh Sơn (2 ca) và thị trấn Thanh Hà (07 ca). Đối với 02 ổ dịch (xã Thanh Quang và thị trấn Thanh Hà) sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc thì đến ngày 29/7 ổ dịch xã Thanh Quang và ngày 31/7 tại ổ dịch thị trấn Thanh Hà ghi nhận thêm ca mắc mới. Đối với ổ dịch thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn cũng vừa được xác định với 03 ca mắc cùng là thành viên trong một gia đình.

 

Tình hình dịch SXH không chỉ ghi nhận ở huyện Thanh Hà, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã ghi nhận các ổ dịch như: Cao An (Cẩm Giàng) với 03 ca mắc, Long Xuyên (Bình Giang) 02 ca, Quang Phục (Tứ Kỳ) 4 ca mắc…
 

Cán bộ Trung tâm Kiêm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra mật độ muỗi và vật dụng chứa lăng quăng 

tại ổ dịch thị trấn Thanh Hà.

 

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh từ đầu năm đến hết ngày 1/8, toàn tỉnh đã ghi nhận ghi nhận 181 ca mắc, tăng 68 ca mắc so với cùng kỳ năm 2023. Số ca mắc tập trung từ tháng 6 và tăng từ giữa tháng 7 trở đi, chỉ tính riêng từ ngày 15-31/7 đã có tới 72 ca mắc và hầu hết các ca bệnh đều có yếu tố dịch tễ nội địa. Toàn tỉnh hiện đang có tới 6 chùm ca bệnh, trong đó riêng huyện Thanh Hà có 3 chùm: thôn Phù Tinh, xã Thanh Quang; khu I, thị trấn Thanh Hà và thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn; 3 chùm ca bệnh còn lại là: thôn Bích Cẩm, xã Quang Phục (Tứ Kỳ); thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang); thôn Đô Chàng, xã Hồng Dụ (Ninh Giang).  

 

Nguy cơ dịch tăng mạnh

 

Thạc sĩ Cao Xuân An, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm- Ký sinh trùng- Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định: Thời tiết hiện nay mưa nhiều, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH sinh trưởng. Dịch bệnh SXH gần đây không theo quy luật, ghi nhận bệnh nhân mắc SXH quanh năm. Bệnh SXH thường tập trung từ tháng 5 đến tháng 11. Năm 2023, dịch tập trung bùng phát vào tháng 9 tuy nhiên năm nay dịch có chiều hướng tăng từ tháng 6 và trong tháng 7 thì tăng mạnh.

 

Mới đây Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã kiểm tra thực tế tại 02 ổ dịch SXH (thị trấn Thanh Hà và xã Thanh Quang), làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch 02 địa phương, đoàn đã đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh, giám sát chặt chẽ kịp thời phát hiện các trường hợp nghi mắc. Duy trì việc đôn đốc người dân, huy động các tổ chức đoàn thể tham gia chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, lật úp loại bỏ nơi lăng quăng sinh sống…Qua kiểm tra tại một số hộ dân có người mắc SXH, cho thấy vẫn còn có tâm lý chủ quan. Mặc dù chính quyền, địa phương đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát tờ rơi, phun thuốc diệt muỗi, hướng dẫn việc loại trừ lăng quăng nhưng do thói quen chứa nhiều đồ cũ, nhiều vật dụng chứa nước đọng ở vườn như: túi nilon, vỏ quả dừa, lốp cao su, xô nhựa… có nhiều lăng quăng vẫn chưa được người dân quan tâm loại bỏ. Nhiều gia đình có bệnh nhân mắc SXH vườn rộng, cây cối um tùm, nước đọng quanh nhà, đây là điều kiện lý tưởng để muỗi gây bệnh SXH sinh trưởng phát triển, nếu không lật úp và diệt lăng quăng thì sẽ khó dập được dịch SXH. Kết quả điều tra tại các ổ dịch, chỉ số mật độ muỗi đều vượt ngưỡng cảnh báo nên nguy cơ dịch bùng phát mạnh là rất lớn nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các địa phương, đặc biệt là ý thức phòng bệnh SXH của người dân.

 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tiếp tục cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ các địa phương để giám sát, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch SXH. Sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về phương tiện, máy phun công suất lớn khi có đề xuất.

 

Tại các cơ sở điều trị cũng đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân SXH. Hầu hết các bệnh nhân khi mắc bệnh đã tự điều trị hạ sốt tại nhà sau nhiều ngày không đỡ mới nhập viện. Anh Đoàn Văn Tr 41 tuổi ở thôn Tráng Liệt, Thanh Sơn (Thanh Hà) và con trai khá mệt mỏi khi mắc bệnh SXH. Điều trị uống thuốc hạ sốt tại nhà vài ngày không đỡ anh Tr và con lên Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà khám và được xét nghiệm phát hiện mắc SXH.

 

Cũng như anh Tr, bà Hoàng Th Ph ở khu I, thị trấn Thanh Hà có chồng đang điều trị SXH tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà cũng tự mua thuốc hạ sốt và chế độ dinh dưỡng nâng cao thể trạng, bù nước cho chồng sau vài ngày không đỡ mới nhập viện. Việc người bệnh tự ý điều trị tại nhà không đi đến cơ sở y tế khám và điều trị ngay khi có các triệu chứng, có thể dẫn tới bệnh tiến triển nặng và có biến chứng nguy hiểm. Đồng thời việc không xét nghiệm phát hiện bệnh của những bệnh nhân này vô hình chung sẽ là nguồn lây nhiễm bệnh cho những người khác trong cùng gia đình mình và trong cộng đồng.

 

“Không có bọ gậy, không có SXH" đó là thông điệp của ngành y tế khuyến cáo tất cả người dân hãy chung tay mỗi tuần dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy. Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn rất cần sự chung tay của người dân, sự vào cuộc của chính quyền mạnh mẽ, thực hiện vệ sinh sạch sẽ, loại trừ nơi ở của lăng quăng, diệt trừ muỗi…dịch SXH sẽ được kiểm soát./.

 

                                                                                                                           Đức Thành

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TIN TỨC - SỰ KIỆN