A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm khi quay lại trường học

Hiện trẻ đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học. Nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm là rất cao, nhất là với một số bệnh như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu tháng 8 đến ngày (22/8), các bệnh truyền nhiễm giảm so với cùng kỳ tháng 7/2024. Bệnh sốt xuất huyết toàn tỉnh ghi nhận 101 trường hợp mắc, giảm 28 trường hợp. Bệnh Covid – 19 có 63 trường hợp mắc, giảm 27 trường hợp. Bệnh ho gà 09 trường hợp mắc, giảm 10 trường hợp. Các bệnh khác như tay chân miệng, thủy đậu ghi nhận rải rác.

 

Theo ghi nhận từ Bệnh viện Nhi Hải Dương thời gian này số trẻ đến khám và điều trị cũng giảm so với tháng trước. Nếu như trong tháng 7, bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận từ 200 đến 220 bệnh nhân đến khám, điều trị thì những ngày này chỉ tiếp nhận từ 150-180 bệnh nhân. Cụ thể ngày 22/8, tại khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho 30 bệnh nhân, trong đó chủ yếu trẻ mắc cúm A, Covid – 19, ho gà, sốt xuất huyết…. Khoa hô hấp đang điều trị cho 40 bệnh nhân, giảm từ 30-50%.

Tiêm vắc cin phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Mặc dù các bệnh truyền nhiễm đều có dấu hiệu giảm, nhưng theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thì trong tháng 7 và đầu tháng 8, Hải Dương ghi nhận số bệnh nhân sốt xuất huyết nội địa tăng cao, không rõ yếu tố dịch tễ. Kết quả giám sát véc tơ tại các địa phương đều vượt ngưỡng cảnh báo. Nhận định trong thời gian tới số mắc một số bệnh (sốt xuất huyết, viêm não, ngộ độc thực phẩm…) có thể gia tăng, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn, nếu không chủ động triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch. Bệnh sởi, từ đầu năm đến nay ghi nhận 61 trường hợp sốt phát ban dạng sởi (04 ca dương tính), tỷ lệ tiêm chủng sởi trong 5 năm trở lại đây ở mức cao, cụ thể các năm 2019 (tỷ lệ 97%); 2020 (93,09%); 2021 (96,56%); 2022 (97,69%); 2023 (95,97%); 07 tháng đầu năm 2024 (65,64%). Với bệnh Bạch hầu, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 09 ca mắc, trong đó 1 ca tử vong. Các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cung cấp vắc xin tiêm chủng mở rộng còn khó khăn nên tạo vùng lõm tiêm chủng. Tỉnh ta chưa ghi nhận ca bệnh, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin có thành phần bạch hầu trong 5 năm trở lại đây ở mức cao, cụ thể năm 2019 (96,44%); 2020 (91,46%); 2021 (95,85%); 2022 (97,33%); 2023 (96,7%); 07 tháng đầu năm 2024 (69,2%). Như vậy, trong thời gian tới khó có thể bùng phát dịch sởi, hay bạch hầu trên diện rộng, mà chỉ có thể xuất hiện các ca bệnh lẻ tẻ…

 

Để chủ động phòng bệnh hơn chữa bệnh, bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh – PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng dịch bệnh truyền nhiễm trước thềm năm học mới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cần duy trì triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Đồng thời các cơ sở giáo dục nên duy trì thường xuyên hàng ngày vệ sinh bàn tay cho học sinh và hàng tuần việc vệ sinh lớp học, đồ dùng giảng dạy, học tập và khuôn viên nhà trường; kết hợp các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm với các cơ sở có ăn bán trú cho học sinh…

 

… “Mùa tựu trường đầu tháng 9 là lúc chuyển giao từ hè sang thu, thời tiết nóng lạnh thất thường, độ ẩm cao khiến loạt bệnh có tính chất theo mùa như sởi, ho gà, cúm, viêm phổi, viêm não diễn biến phức tạp, dễ lây nhiễm. Một trẻ nhiễm bệnh sẽ lây cho bạn cùng lớp, cùng trường, tạo ổ dịch khó kiểm soát. Bởi vậy, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hàng đầu cho trẻ". Đặc biệt, các chuyên gia cảnh báo năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần, cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vắc xin. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong. Thai phụ mắc sởi ngoài gặp biến chứng có thể tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.

 

Bởi vậy, bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh khuyến cáo: Tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra. Vắc xin có thành phần sởi như sởi đơn, sởi - quai bị - rubella có thể tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi có hiệu quả đến 98%. Bên cạnh đó, phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm sởi - quai bị - rubella trước mang thai 3 tháng để tránh mắc bệnh và truyền kháng thể bảo vệ thai nhi và con ở những tháng đầu đời khi chưa được tiêm vắc xin phòng sởi.

 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong thời gian tới ngành y tế sẽ triển khai tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ mũi theo quy định ở một số địa phương có tỷ lệ tiêm chủng bệnh này còn thấp và nhân viên y tế có nguy cơ ở các cơ sở khám chữa bệnh và điều trị bệnh sởi.
 

                                                                                                         ​Hải Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TIN TỨC - SỰ KIỆN