Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022.
Ngày 21/7, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 do PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Tham dự điểm cầu tại Hải Dương, đồng chí Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế chủ trì.
Đồng chí Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị tại Hải Dương
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng. Nhiều người dân sau khi tiêm vắc xin mũi cơ bản hoặc đã từng mắc Covid-19 bắt đầu lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chủ quan tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vắc xin cho trẻ em. Bên cạnh đó, với điều kiện khí hậu mùa hè rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua véc tơ, qua đường tiêu hóa như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu, viêm não Nhật bản B, tiêu chảy do virut Rota…Do vẫn còn những địa phương chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, vì vậy có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Các địa phương cần tăng cường và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (sốt xuất huyết, tay chân miệng…) ngay từ đầu mùa dịch, tăng cường công tác tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm chủng và các biện pháp đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), những ngày qua, Việt Nam ghi nhận trung bình khoảng 900 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, riêng ngày 20/7 ghi nhận trên 1.000 ca. Do đó, hệ thống y tế cần cảnh giác, không được chủ quan. Tại hội nghị, đại diện các địa phương, đơn vị đã nêu nhiều khó khăn trong công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 do tâm lý chủ quan e ngại của người dân. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến khó lường, nếu công tác tiêm chủng không được đẩy nhanh thì khi dịch bệnh sẽ quay trở lại. Bên cạnh đó, dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng đang gia tăng nhanh chóng. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người dân hiểu và tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Phát biểu kết luận, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đã yêu cầu các địa phương tiếp tục thần tốc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh, trẻ em, người lao động trong các khu công nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi. Các địa phương cần tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong triển khai tiêm chủng, vận động người dân tham gia tiêm đạt hiệu quả cao. Địa phương nếu bỏ sót đối tượng tiêm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cùng với nhiệm vụ tiêm vắc xin ngừa Covid-19, cần tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, bảo đảm đủ thuốc điều trị, dịch truyền, hóa chất phục vụ công tác điều trị và phòng, chống dịch. Các địa phương cần đồng loạt tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và quyết liệt giảm ca tử vong do sốt xuất huyết gây ra.
Tại Hải Dương, tính đến ngày 21/7, toàn tỉnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng 18 tuổi trở lên mũi 1 là 1.334.806 ( chiếm 99,31%), mũi 2 là 1.329.856 (chiếm 98,94%), mũi 3 là 1.021.296 (chiếm 75,99%) và mũi 4 là 46.955 (chiếm 4,60%); đối tượng 12-17 tuổi mũi 1 chiếm 99,70%, mũi 2 chiếm 99,30%, mũi 3 chiếm 27,06%; đối tượng 5-11 tuổi tỷ lệ mũi 1 là 54,17%, mũi 2 là 33,28%. Hồng Vân |