Không nên chủ quan với bệnh tăng huyết áp trong thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ là hiện tượng tăng huyết áp xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ và trở về mức bình thường 6 tuần sau sinh. Huyết áp mang bầu cao ở mức độ nhẹ vào khoảng 140-159/90-109 mmHg, mức độ nặng khi ≥160/100 mmHg. Tăng huyết áp thai kỳ xảy ra ở khoảng 5-10% phụ nữ mang thai.
Tại khoa chăm sóc sức khoẻ sinh sản – Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh,từ đầu năm đến nay, số lượng thai phụ đến khám tại đây khoảng hơn 400 bệnh nhân, tuy nhiên số lượng bệnh nhân đến khám mắc huyết áp cao tương đối thấp. Tuy tỉ lệ mắc tăng huyết áp khi mang thai ít nhưng nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tiền sản giật, sản giật, thai nhi có nguy cơ chết lưu hoặc sinh non.
Đo huyết áp cho thai phụ đến khám tại khoa chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Nguyên nhân gây tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai có thể xuất phát từ chế độ dinh dưỡng khi mang thai không khoa học, thai phụ ăn quá mặn, thai phụ không hoạt động thể chất, không dưỡng thai đúng cách. Thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh, phụ nữ mang thai trên 35 tuổi, thai phụ mắc bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh lý liên quan dẫn đến biến chứng cao huyết áp khi mang thai.
Theo BS.Nguyễn Thị Kim Quyên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để nhận biết triệu chứng huyết áp cao khi mang thai, tùy theo cơ địa từng thai phụ mà bệnh có thể có những triệu chứng khác nhau, tuy nhiên có những trường hợp thai phụ không có bất cứ dấu hiệu nào. Thông thường các dấu hiệu cao huyết áp ở phụ nữ mang thai xuất hiện trong giai đoạn nửa sau của thai kỳ với các biểu hiện như sưng phù chân tay, tăng cân đột ngột, rối loạn thị lực, buồn nôn, đau đầu dữ dội, đau vùng thượng vị, đau ngực sau xương ức và khó thở.
Tăng huyết áp khi mang bầu rất nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào thời gian mang thai cũng như mức tăng huyết áp của thai phụ. Tình trạng huyết áp trong thai kỳ càng cao, xuất hiện sớm thì nguy cơ thai phụ và thai nhi gặp biến chứng nguy hiểm càng lớn. Đối với thai phụ, huyết áp cao trong thai kỳ có thể dẫn đến các biến chứng như tiền sản giật. Tỉ lệ phụ nữ khi mang thai bị huyết áp cao đều có nguy cơ tiền sản giật chiếm 25%, 5-8% các trường hợp sản giật tử vong. Huyết áp cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai phụ sau sinh, khả năng hồi phục sau sinh chậm, dễ gặp tình trạng cao huyết áp ở những lần mang thai tiếp theo, có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan như tim mạch, thận…Đối với thai nhi có mẹ mắc hội chứng tăng huyết áp thai kỳ, chậm phát triển hoặc chết lưu vì thai nhi không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ khiến bé chậm phát triển, không đạt cân nặng trung bình theo tiêu chuẩn, trường hợp xấu nhất sẽ dẫn đến hiện tượng thai lưu khi còn trong bụng mẹ. Ngoài ra, mẹ mắc tăng huyết áp thai kỳ còn rất dễ sinh non, mặc dù đã được điều trị nhưng một số trường hợp thai phụ bị huyết áp cao hoặc sản giật có thể cần sinh sớm hơn để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và bé. Những em bé sinh non, không đủ sức khỏe có nguy cơ tử vong cao.
BS. Nguyễn Thị Kim Quyên cho biết, tăng huyết áp thai kỳ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vì vậy, để phòng ngừa cao huyết áp thai kỳ, phụ nữ mang thai cần thực hiện chế độ ăn uống lành lạnh, ăn nhiều hoa quả, rau xanh,… để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Tránh mang thai, sinh nở khi tuổi đã cao. Phụ nữ thừa cân cần có kế hoạch giảm cân trước khi mang thai. Tập thể dục thể thao điều độ trước và trong thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần khám thai định kỳ theo lịch hẹn và đo huyết áp trong mỗi lần khám thai. Trong trường hợp phát hiện bị cao huyết áp trước khi mang thai phải tiến hành điều trị để mức huyết áp ổn định trở lại.
Hồng Vân