Chủ động phát hiện sớm và nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng, tránh bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường type 2 đang ngày càng gia tăng trên thế giới và Việt Nam. Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nặng nề như: mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…Vì vậy, chi phí điều trị bệnh đái tháo đường và chi phí phúc lợi xã hội chăm sóc những bệnh nhân bị biến chứng chiếm tỷ trọng cao trong quỹ bảo hiểm sức khỏe và an sinh xã hội. Do bệnh đái tháo đường type 2 thường âm thầm tiến triển, không có triệu chứng nên người bệnh không biết mình bị mắc bệnh. Người bệnh chỉ biết bệnh khi đã có biến chứng hoặc do đi khám bệnh khác phát hiện ra. Đáng báo động, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang ngày càng trẻ hóa. Theo đó, nhiều người trong độ tuổi 25-30 mắc bệnh mà không biết, có những trường hợp trẻ em mới 12, 13 tuổi đã mắc bệnh.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 29.271 trường hợp mắc bệnh đái tháo đường đang được quản lý và điều trị tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Điều đáng báo động hiện nay là đa số người bệnh đái tháo đường không hề biết mình bị mắc bệnh, nên không điều trị và một số người bệnh điều trị không đúng phác đồ, đến khi bệnh nặng lên, kèm theo các biến chứng thì mới đi điều tri. Bằng nguồn kinh phí địa phương, trong 9 tháng đầu năm toàn tỉnh đã tổ chức khám sàng lọc đái tháo đường tại 18/18 xã thị trấn được 1.887 người trong đó có 728 người có yếu tố nguy cơ đái tháo đường.
Thạc sĩ Hoàng Văn Huỳnh, Phó giám đốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Đái tháo đường là bệnh mạn tính xảy ra hoặc là do tuyến tụy không có khả năng sản xuất ra đủ lượng hooc - môn insulin cần thiết để điều tiết lượng đường trong máu, hoặc khi cơ thể không có khả năng sử dụng insulin một cách hiệu quả. Tăng đường huyết, hoặc lượng đường trong máu tăng là dấu hiệu chung của bệnh Đái tháo đường và từ đó sẽ gây hủy hoại nghiêm trọng đối với nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh và mạch máu. Đái tháo đường type 1 là khi cơ thể không tự sản xuất được insulin, với type bệnh này thì hầu như không thể phòng tránh được. Đái tháo đường tuýp 2 là hệ quả của việc cơ thể không sử dụng được insulin một cách hiệu quả. Đái tháo đường type 2 chiếm 90% tổng số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn cầu và phần lớn là do thừa cân béo phì và ít hoạt động thể lực. Các triệu chứng của tuýp 2 có thể tương tự như tuýp 1 nhưng các triệu chứng thường không rõ rệt và dễ bị bỏ qua. Vì vậy, đái tháo đường type 2 thường chỉ được chẩn đoán sau một vài năm mắc bệnh và khi đã xuất hiện các biến chứng của bệnh".
Trước thực trạng gia tăng của bệnh đái tháo đường, nhiều hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường đã và đang được tích cực triển khai trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các trung tâm y tế, bệnh viện trên toàn tỉnh đều thực hiện tư vấn, quản lý điều trị ngoại trú người bệnh đái tháo đường; tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ và thuốc thiết yếu cho người mắc bệnh đái tháo đường ngay tại tuyến y tế cơ sở. Việc tổ chức khám sàng lọc cho người dân tại trạm y tế đã giúp phát hiện thêm nhiều trường hợp người bệnh mắc đái tháo đường để đưa vào quản lý và điều trị. Công tác y tế dự phòng, phát hiện sớm và nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng, tránh bệnh đái tháo đường và các biến chứng được đẩy mạnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh đái tháo đường thông qua các buổi truyền thông trực tiếp, hệ thống đài phát thanh xã, phường, thị trấn...; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn và củng cố mạng lưới thông tin, giám sát, thống kê, dự phòng bệnh; tổ chức khám sàng lọc phát hiện sớm tiền đái tháo đường và đái tháo đường cho người dân... Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức về tác động của bệnh Đái tháo đường đối với gia đình và mạng lưới hỗ trợ của những người bị ảnh hưởng; thúc đẩy vai trò của gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa bệnh đái tháo đường trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát sớm bệnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, từ đó hạ tỷ lệ tử vong cũng như giảm chi phí điều trị đối với người bệnh.
Thạc sĩ Hoàng Văn Huỳnh, khuyến cáo: Người mắc bệnh đái tháo đường vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc. Do vậy, việc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường để có biện pháp điều trị kịp thời là rất quan trọng nhằm phòng chống các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Để chủ động phát hiện sớm và nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng, tránh bệnh đái tháo đường, người dân cần đảm bảo duy trì cân nặng hợp lý; vận động thể lực tích cực, đều đặn ít nhất 30 phút hàng ngày với cường độ vừa phải; có chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều hoa quả và rau xanh, giảm đường và chất béo bão hòa; không hút thuốc lá; thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế. Người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc./.
Phương Anh