A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động tầm soát sớm ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư thường gặp ở nữ giới. Nguyên nhân chính là do virus HPV.Virus này lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type, nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này, trong đó chủng HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất…Ngoài ra, còn do sự ức chế miễn dịch, có thể là thuốc hay các bệnh ảnh gây suy giảm miễn dịch ở người, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng, đặc biệt là trên 35 tuổi…

 

Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Quyên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: vừa qua, một Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho chị em phụ nữ đi khám định kỳ tại khoa Sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, qua tầm soát ung thư cổ cung cho gần 100 nữ nhân viên, đã phát hiện 04 người bị tiền ung thư cổ tử cung.Trong đó, có những chị em tuổi còn rất trẻ.

 

Để nhận biết ung thư cổ tử cung, theo bác sỹ Quyên ở giai đoạn đầu của bệnh hoặc có những tổn thương về tiền ung thư thì thường không có triệu chứng đặc hiệu. Dấu hiệu ung thư cổ tử cung chỉ xuất hiện rõ ràng khi các tế bào ác tính phát triển nhanh và xâm lấn vào các tổ chức lân cận. Lúc bấy giờ, người bệnh có triệu chứng: Đau vùng chậu với những cơn đau bất thường hoặc khi giao hợp; dịch âm đạo có màu bất thường (bỗng dưng có màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn màu hồng của máu và gây ra mùi khó chịu); ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, ung thư cổ tử cung còn có triệu chứng: đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu; đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng; kinh nguyệt kéo dài, không đều; thiếu máu dẫn đến mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân…

 

Cô Phạm K. A 52 tuổi (huyện Gia Lộc) cho biết chị đã hết kinh nhưng đột nhiên lại xuất hiện máu âm đạo, mặc dù là ra ít nhưng sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, cô A đã được chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Hiện nay, với nền y khoa ngày càng hiện đại và tiến bộ, bệnh ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Càng được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi và khả năng bảo tồn chức năng sinh sản càng cao. Còn nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn thì sẽ rất khó chữa trị. 

 

Để chủ động phòng bệnh, bác sỹ Quyên nhấn mạnh, các chị em, nhất là phụ nữ từ 30-45 tuổi nên quan tâm đến những biểu hiện bất thường, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mình, thường xuyên thăm khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung tại các bệnh viện có chuyên khoa ung bướu, chuyên khoa sản.

 

Bên cạnh đó, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh chính là cho bé gái tiêm vắc xin HPV phòng bệnh ung thư cổ tử cung. Vắc xin ngừa HPV được khuyến cáo tiêm từ độ tuổi 9-26, tốt nhất là 11- 12 tuổi. Liều tiêm được chỉ định 3 liều. Theo đó, liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu 1tháng và liều 3 cách liều 2 tối thiểu 3 tháng.

                                                                                                                                                           Thu Hương


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TIN TỨC - SỰ KIỆN