A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP Hải Dương xuất hiện nhiều ca bệnh sốt xuất huyết.

 

Những ngày qua, trên địa bàn TP Hải Dương đã xuất hiện một số ca bệnh mắc bệnh xuất huyết. Những ca bệnh này xuất hiện chủ yếu ở hai phường Trần Hưng Đạo và phường Trần Phú, trên tuyến phố Chương Dương ven sông Sặt. Trung tâm y tế thành phố đã phối hợp với trạm y tế các phường Trần Phú, Trần Hưng Đạo tổ chức phun thuốc diệt muỗi.

 

 

Phun thuốc diệt muỗi biện pháp hữu hiệu trong phòng chống sốt xuất huyết


Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh bệnh sốt cho biết bệnh sốt xuất huyết hết sức nguy hiểm nên mỗi người dân cần nắm được những kiến thức cơ bản, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe chính mình và những người xung quanh.


Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) có đặc trưng là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương. Thời kỳ ủ bệnh từ 3 - 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày, sau đó xuất hiện đột ngột sốt cao (kéo dài từ 2 -7 ngày), người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hố mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân),  có thể kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Sốt sẽ giảm vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 và kèm theo có xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi hoặc cả 2). Trường hợp nặng  có thể xuất huyết nội tạng (chảy máu tiêu hóa, thận), kinh nguyệt kéo dài, rong kinh (phụ nữ) và có thể bị sốc. Xuất huyết ở da dạng ban, dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. SXHD thể nhẹ, trung bình không bị sốc hoặc bị sốc nhưng được điều trị thoát sốc tốt, bệnh nhân nhanh chóng  hồi phục...


Bác sĩ Huỳnh cho biết thêm: Đối với thành phố Hải Dương hiện nhiều khu vực dân cư xuất hiện khá nhiều muỗi vằn (vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết). Song hành cùng việc với hoạt động phòng chống dịch của các đơn vị y tế, công tác tuyên truyền là hết sức cần thiết. Các tổ dân phố, các hộ gia đình,  đặc biệt là các trường học, chợ, nơi đông dân qua lại cần thấy rõ sự nguy hiểm của bệnh SXHD để phòng tránh. Cần tập trung diệt muỗi và bọ gậy bằng mọi biện pháp từ dân gian đến các chất hóa học, đặc biệt ở các địa phương đang có SXHD xẩy ra. Để tránh muỗi đốt, phải nằm màn (cả lúc ngủ ban ngày lẫn ban đêm). Ở công sở, trường học, mọi người tránh muỗi đốt nên đi dày, có tất và mặc quần dài ống để tránh hở da vùng chân. Thêm một cách để chống sự tấn công của muỗi vằn đó là sử dụng các loại thuốc, xịt chống muỗi ở vùng da.  Để tiêu diệt bọ gây (loăng quăng) cần phải thau rửa chum, vại, các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt và phải có nắp nậy kín để không cho muỗi vào đẻ trứng. Nếu gia đình, công sở, trường học có dùng lọ cắm hoa, cần thay nước hàng ngày… Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường tốt và khơi thông cống rãnh , ao, hồ…để tiêu diệt trứng muỗi và bọ gậy.

                                                                                                                                                             Phương Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TIN TỨC - SỰ KIỆN