Không cần chi tiền tỷ, dùng máy xét nghiệm HIV tìm Covid-19
Hải Dương đã xét nghiệm Covid-19 hơn 3.000 mẫu bằng cách tận dụng máy cũ. Cán bộ y tế phải làm việc liên tục với cường độ cao, nhưng bù lại đã tiết kiệm cho ngân sách nhiều tỷ đồng.
Trước diễn biến của dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương Phạm Mạnh Cường cho biết địa phương từng có thời điểm vô cùng căng thẳng khi sớm xuất hiện các ca nghi nhiễm Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế Hải Dương Phạm Mạnh Cường |
Ông Cường kể, tối 26.1, Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc tiếp nhận bệnh nhi Zhou Yuchao (10 tuổi, quê ở Hồ Nam, Trung Quốc) trong tình trạng khó thở, niêm mạc nhợt nhạt, da tím tái, nghi nhiễm Covid-19.
Khu vực xét nghiệm |
Bé trai này cùng gia đình đi du lịch từ Hà Nội đến Quảng Ninh, trên đường từ Quảng Ninh về qua cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, vật vã và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương ngay sau đó đã khử khuẩn Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc, cách ly, lấy máu xét nghiệm hơn 10 nhân viên y tế có tiếp xúc, điều trị cho cháu bé. Rất may sau đó cháu bé có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Tối 18.3, Bộ Y tế công bố bệnh nhân thứ 73, là 1 cháu bé mang quốc tịch Anh, 11 tuổi, địa chỉ ở huyện Thanh Miện, về Việt Nam trên chuyến bay VN0054. Đây cũng là trường hợp đầu tiên ở Hải Dương dương tính với Covid-19.
Bên trong là các căn phòng vô trùng, sạch bong |
Phương án cách ly cộng đồng và lấy mẫu xét nghiệm người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được thực hiện nhanh chóng.
Hơn 3.000 mẫu được xét nghiệm từ máy cũ
Để phòng chống dịch Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra chỉ thị yêu cầu chống dịch bằng nội lực, chống dịch quyết liệt nhưng phải tiết kiệm ngân sách.
Cụ thể, thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ như: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men… và kinh phí, nhân lực tại chỗ.
Trong tình hình đó, Sở Y tế đã quyết định tận dụng hệ thống máy xét nghiệm HIV, viêm gan A, B... đang có để xét nghiệm Covid-19 thay vì mua mới.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phạm Duy Tuyến chia sẻ: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã đề xuất tận dụng, phục hồi cũng như bổ sung quy trình, hệ thống, nâng cấp máy 750 phục vụ cho xét nghiệm Covid-19. Khi chúng tôi đề xuất lên Sở, lãnh đạo Sở đã họp bàn và nhận thấy đây là một ứng dụng rất khả quan”.
Theo ông Tuyến, hệ thống máy xét nghiệm mà Hải Dương tận dụng là dòng máy Realtime PCR. Thiết bị này có chức năng phân tách, đọc kết quả như dòng máy mà các địa phương đã mua.
"Các máy xét nghiệm mới chỉ khác thiết bị chúng tôi đang dùng là đời cao hơn nên cho ra kết quả nhanh hơn", ông Tuyến khẳng định.
Ngay sau đó, Sở Y tế chỉ đạo CDC mời các chuyên gia đóng góp ý kiến, hỗ trợ về kỹ thuật để triển khai. Kết quả, phương án nhận được sự đồng tình tuyệt đối.
“Từ khi đưa ra đề xuất đến khi đưa máy vào hoạt động và cho ra mẫu xét nghiệm phân loại Covid-19 đầu tiên, chúng tôi mất 3 tuần, nhanh hơn cả việc đi tìm nhà cung cấp để mua mới”, ông Tuyến tự hào.
Tận dụng máy xét nghiệm cũ |
Phòng xét nghiệm bệnh tật hằng ngày trở thành phòng xét nghiệm Covid-19 |
Cho đến nay, y tế Hải Dương đã xét nghiệm Covid-19 được hơn 3.000 mẫu. Vì dùng máy cũ nên công tác xét nghiệm vất vả hơn, cán bộ y tế phải làm liên tục với cường độ cao, làm ngoài giờ để đảm bảo tiến độ. Bù lại, họ đã tiết kiệm cho ngân sách nhiều tỷ đồng.
Không mua mới để tiết kiệm ngân sách |
Kỹ thuật viên làm việc 3 ca |
Thiết bị này được trang bị từ năm 2014 |
Máy cũ nên kỹ thuật viên làm việc vất vả hơn |
Mỗi ngày nếu xét nghiệm cả 3 ca, 1 chiếc máy cũ vẫn cho ra gần 200 kết quả |
Cũng theo ông Tuyến, khi "ổ dịch" Bạch Mai bùng phát, Hải Dương có khoảng 2.400 người liên quan. Toàn bộ những người này đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm ngay trong tỉnh.
Các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đều cho kết quả trùng khớp với kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sau đó.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương Phạm Duy Tuyến |
Ngày 28.4, CDC Hải Dương chính thức được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm Covid-19.