A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách ly thế nào là đúng?

Hiện có nhiều người chưa hiểu đúng về việc cách ly đối với các trường hợp F2, F3 của ca bệnh Covid-19. 


Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh

Điều này gây khó khăn cho những người diện F2, F3, nhất là trong bối cảnh học sinh bước vào năm học mới, trong đó có nhiều em thuộc diện có liên quan đến ca bệnh. Phóng viên Báo Hải Dương đã trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để làm rõ vấn đề này.

-Vừa qua có trường hợp trạm y tế địa phương yêu cầu đối tượng F2 phải cách ly tại nhà trong khi F1 của người này đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Lý do trạm y tế đưa ra là F1 mới âm tính lần 1 và chưa hết thời gian cách ly. Theo bác sĩ việc này có đúng không?

- Trước hết phải hiểu đúng về khái niệm F1, F2. Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 7.8.2020 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19" đã quy định cụ thể. Theo đó, F1 là người tiếp xúc gần với ca bệnh. Việc xác định F1 dựa vào 2 tiêu chí đó là khoảng cách và thời gian. Về khoảng cách phải là người có tiếp xúc trong vòng 2 m với ca bệnh đã được xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ. Về thời gian chỉ tính từ 3 ngày trước khi bệnh nhân khởi phát cho đến khi ca bệnh được xác định hoặc thuộc diện nghi ngờ được cách ly y tế. Dấu hiệu khởi phát của ca bệnh là tình trạng sức khỏe bất thường mà người mắc Covid-19 cảm nhận được như: mệt mỏi, gai rét, ớn lạnh, rối loạn vị giác, chán ăn, sốt, ho, đau họng... 

Nguyên nhân quy định việc xác định F1 như vậy vì các nghiên cứu khoa học trên thế giới chỉ ra rằng khi một người nào đó nhiễm mầm bệnh Covid-19 chỉ có khả năng lây bệnh cho người khác trước khi khởi phát 2 ngày. Việt Nam chúng ta thận trọng hơn áp dụng là 3 ngày. Trước thời gian khởi phát, người bệnh có thể đã nhiễm mầm bệnh nhưng không có khả năng lây truyền mầm bệnh cho người tiếp xúc.

Đối với người lành mang mầm bệnh, tức là người đã nhiễm SARS-CoV-2 nhưng khi được phát hiện chưa có triệu chứng thì thời gian khởi phát được tính từ 3 ngày trước khi phát hiện mắc Covid-19.

F2 được quy định là người tiếp xúc với các trường hợp đã được xác định là F1 theo các tiêu chí nêu trên. Việc xác định rõ F2 giúp hiểu rõ ý nghĩa kết quả xét nghiệm của F1 đối với người F2.

Đối với việc xét nghiệm SARS-CoV-2, hiện chúng ta đang thực hiện theo 2 phương pháp là xét nghiệm tìm kháng nguyên (bằng xét nghiệm PCR) và xét nghiệm tìm kháng thể (bằng test nhanh và xét nghiệm Elisa). Xét nghiệm PCR tìm sự có mặt của virus trong cơ thể người mang bệnh. Khi kết quả xét nghiệm PCR dương tính, tức là trong cơ thể người đó có SARS-CoV-2 và người đó có khả năng lây nhiễm mầm bệnh Covid-19 cho người khác.

Xét nghiệm tìm kháng thể tức là đi tìm chất mà cơ thể sản xuất ra để chống lại virus. Phương pháp xét nghiệm này hiện có hai loại là test nhanh và xét nghiệm Elisa. Xét nghiệm Elisa cho kết quả chính xác hơn test nhanh. Khi xét nghiệm tìm kháng nguyên dương tính tức là trong quá khứ người đó đã từng nhiễm SARS-CoV-2.

Thường thì các trường hợp F1 ở tỉnh ta hiện được xét nghiệm theo phương pháp PCR. Kết quả xét nghiệm F1 âm tính nghĩa là tại thời điểm đó trong cơ thể F1 không có  SARS-CoV-2 hoặc đã có nhưng dưới ngưỡng phát hiện. Theo dịch tễ lâm sàng trường hợp F1 này không có khả năng lây bệnh cho người đã tiếp xúc với họ (F2), tính từ khi F1 được lấy mẫu xét nghiệm trở về trước. Điều này đồng nghĩa với việc F2 của đối tượng F1 âm tính không có khả năng nhiễm mầm bệnh Covid-19 từ F1 xác định của họ. Do đó nếu chỉ xét mối quan hệ với F1 thì lúc này F2 an toàn với cộng đồng và không cần cách ly.

Trường hợp F1 xét nghiệm lần 2 dương tính (thường là sang ngày cách ly thứ 14), khi đó F1 trở thành F0. Lúc này, nguy cơ lây mầm bệnh Covid-19 của người này cho người khác chỉ được tính trong khoảng thời gian từ sau khi lấy mẫu lần 1 đến khi lấy mẫu lần 2, không bao gồm những người F2 đã tính trước đó.

-Thưa bác sĩ, hiện có nhiều trường học yêu cầu các cháu là con của các đối tượng F2 như trên không được tới trường, thậm chí phải cách ly ở nhà 14 ngày rồi mới được tới trường. Quy định của Bộ Y tế về trường hợp này như thế nào?

- Theo Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 7.8.2020 của Bộ Y tế, trường hợp kết quả xét nghiệm PCR của người tiếp xúc vòng 1 âm tính với SARS-CoV-2 thì người tiếp xúc vòng 2 được kết thúc việc cách ly. Như vậy khi các F1 của các cháu được xác định âm tính lần 1 thì các cháu không còn phải cách ly. Các cháu được đến trường học tập bình thường cũng như tham gia các sinh hoạt khác ở cộng đồng nhưng phải tuân thủ các quy dịnh phòng chống dịch Covid-19 hiện hành như tất cả mọi người.

                                                                                                                                                                                PV (thực hiện)

Bác sĩ Huỳnh chỉ thêm khái niệm về người tiếp xúc gần với bệnh nhân bao gồm những trường hợp sau: người sống trong cùng gia đình, cùng nhà, cùng phòng; người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định; người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc; người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ; người ngồi cùng hàng và trước sau hai hàng ghế trên cùng một phương tiện giao thông (trong một số trường hợp cụ thể tùy theo kết quả điều tra dịch tễ, cơ quan y tế sẽ quyết định việc mở rộng danh sách người tiếp xúc gần đối với hành khách đi cùng một phương tiện giao thông; bất cứ người nào có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ ở các tình huống khác trong trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ cho đến khi ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ được cách ly y tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TIN TỨC - SỰ KIỆN