Thanh Hà tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết.
Liên tiếp trong tháng 7 trên địa bàn huyện Thanh Hà ghi nhận nhiều người mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD).
Toàn huyện từ đầu năm đến ngày 31/7 đã có 32 người mắc SXHD ở 8 xã, thị trấn. Riêng trong tháng 7 đã ghi nhận 02 ổ dịch SXHD ở xã Thanh Quang với 20 ca mắc và thị trấn Thanh Hà với 6 ca mắc. Hiện các ổ dịch cơ bản được kiểm soát, đặc biệt là ổ dịch tại xã Thanh Quang nhiều ngày qua không ghi nhận ca mắc mới.
Phun thuốc diệt muỗi gây bệnh SXHD tại ổ dịch khu I thị trấn Thanh Hà
Bà Phạm Thị Nhoan, Trưởng Trạm Y tế xã Thanh Quang cho biết: Từ đầu năm đến ngày 29/7, trên địa bàn xã Thanh Quang có tổng số 20 ca mắc sốt xuất huyết. Riêng trong tháng 7 vừa qua đã ghi nhận 19 ca mắc tập trung ở ổ dịch thôn Phù Tinh và các ca bệnh đều mang yếu tố mầm bệnh nội địa. Trong số 19 ca này, có 1 ca phải điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 5 ca điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, 1 ca tại Bệnh viện Nhi Hải Phòng (bệnh nhân 8 tháng tuổi), số còn lại điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà và đã được xuất viện. Trạm Y tế xã đã chủ động tham mưu với chính quyền triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống không để dịch SXH tiếp tục lan rộng.
Ổ dịch SXH tại khu I thị trấn Thanh Hà xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 17/7 và liên tiếp gần đây vẫn ghi nhận ca mắc có yếu tố dịch tễ liên quan. Hiện Trung tâm Y tế huyện đang điều trị 02 bệnh nhân mắc tại ổ dịch này.
Tuyên truyền phòng bệnh SXH tại ổ dịch xã Thanh Quang
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà cho biết dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện năm nay đến sớm. Những tháng đầu năm chỉ ghi nhận những ca mắc lẻ tẻ, tuy nhiên từ giữa tháng 7 đến nay thì bùng phát mạnh và ghi nhận nhiều ca mắc và mầm bệnh chủ yếu mang yếu tố nội địa. Đối với 02 ổ dịch tại xã Thanh Quang và thị trấn Thanh Hà, Trung tâm Y tế đặc biệt quan tâm. Ngay khi ghi nhận ổ dịch Trung tâm đã báo với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về giám sát trực tiếp và thường xuyên cập nhật diễn biến các ổ dịch trên địa bàn và phương án dập dịch. Làm việc với các địa phương đang có ổ dịch bùng phát đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế đã chỉ đạo khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS phối hợp với Trạm Y tế Thanh Quang, thị trấn Thanh Hà khẩn trương các biện pháp khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Giám sát dịch tễ tại các gia đình bệnh nhân nhiều vật dụng chứa nước mưa lâu ngày có lăng quăng, bọ gạy. Các hộ sống liền kề cây cối um tùm, nhiều muỗi, lăng quăng trong vật dụng chứa nước. Các địa phương khi xuất hiện ổ dịch đã tổ chức chiến dịch tuyên truyền phòng, chống dịch SXH. Tiến hành tổng vệ sinh, phát quang cây cối, lật úp các vật dụng chứa nước mưa lâu ngày, hướng dẫn người dân ngủ màn, phun thuốc diệt muỗi.
Hiện nay thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng cho muỗi gây bệnh SXH phát triển. Từ ngày 22/7 đến nay tại ổ dịch Thanh Quang không ghi nhận ca mắc mới, nhưng ngành y tế vẫn đề nghị chính quyền địa phương và người dân tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà tăng cường hoạt động tuyên truyền để nhân dân chủ động các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gạy, không cho muỗi sinh trưởng, đồng thời phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện với thông điệp "Mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gạy tại các gia đình". Trung tâm chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên giám sát, xử lý các bể chứa, dụng cụ chứa nước, đồ phế thải là nơi sinh sản của muỗi. Người dân khi thấy mệt mỏi, đau nhức, đặc biệt ở vùng cơ và các khớp, sốt cao, phát ban, giảm huyết áp đột ngột... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đức Thành