Phòng chống các bệnh không lây nhiễm trong cuộc chiến chống Covid -19
Hiện nay, số người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng tăng, chủ yếu là bệnh tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư…Những người mắc các bệnh không lây nhiễm sẽ có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn những người khác. Trong đại dịch Covid-19, việc phòng chống bệnh không lây nhiễm là điều vô cùng cần thiết. Trung tâm Y tế huyện Nam Sách hiện đang quản lý hơn 2200 người mắc đái tháo đường, 3258 bệnh nhân tăng huyết áp, ung thư 330 người…Trong 9 tháng đầu năm 2021, qua việc khám sàng lọc tại trung tâm y tế huyện đã phát hiện nhiều trường hợp mắc các bệnh không lây nhiễm. Trong năm qua dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp đặc biệt tại Nam Sách đã xuất hiện ổ dịch lớn nên việc chăm sóc, quản lý, điều trị người mắc bệnh không lây tại cộng đồng có những ảnh hưởng nhất định. Một số người dân mắc bệnh không lây có tâm lý e dè sợ bị lây nhiễm nên không đi khám tại cơ sở y tế. Mặt khác do giãn cách xã hội hoặc cơ sở y tế bị phong tỏa nên người dân bị trở ngại trong việc tiếp cận. Bà Nguyễn Thị M – xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách bị bệnh tăng huyết áp nhiều năm nay nên không đi khám, điều trị thường xuyên. Chỉ đến khi bà bệnh nặng, gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện mới phát hiện bà gặp biến chứng của bệnh huyết áp. Các bác sĩ khuyến cáo, bà cần theo dõi, điều trị bệnh cao huyết áp thường xuyên tại cơ sở để tránh các biến chứng có thể xảy ra như suy tim, đột quỵ…
Người dân đến khám định kỳ tại Trạm y tế xã Hồng Phong - huyện Nam Sách
Tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà, số người >= 40 tuổi là gần 67.000 người (chiếm 45,77% dân số huyện). Thông qua việc khám sàng lọc thông thường phát hiện sớm, chẩn đoán bệnh, tăng huyết áp và đái tháo đường (người >40 tuổi) có hơn 48000 người. Số người mới phát hiện tăng huyết áp được tư vấn điều trị là hơn 770 người. Số người nghi ngờ mắc tăng huyết áp là hơn 2500 người. Số người mới phát hiện Đái tháo đường được tư vấn điều trị tại trung tâm là 304 người. Trên thực tế hiện nay, số người mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp…ngày càng tăng cao nhưng tỷ lệ được chẩn đoán, phát hiện còn rất thấp. Việc phát hiện sớm và đưa vào quản lý điều trị sẽ giúp người bệnh giảm được các chi phí điều trị, đồng thời hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra. Theo các bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, nhưng nguyên nhân chính là do hành vi, lối sống (hút thuốc lá, lạm dụng rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động); do các yếu tố môi trường và các yếu tố nguy cơ không thay đổi được như độ tuổi, giới tính… hầu hết các bệnh không lây nhiễm không thể chữa khỏi mà phải điều trị suốt đời. Những bệnh không lây nhiễm thường tiến triển chậm, kéo dài với chi phí điều trị cao, dễ gây ra biến chứng nguy hiểm, trở thành mối nguy cho sức khoẻ cũng như gánh nặng về kinh tế đối với người bệnh. Nhiều người khi phát hiện ra thì bệnh đã nặng hoặc có biến chứng nguy hiểm: Ung thư giai đoạn cuối; tiểu đường gây ra bệnh mạch vành, suy thận, mù mắt...; biến chứng do tăng huyết áp thường rất nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim...
Để chủ động phòng, chống bệnh không lây nhiễm, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần hạn chế đồ uống có cồn, ăn uống lành mạnh, tích cực thể dục thể thao: cần cố gắng duy trì ăn uống điều độ, đúng giờ và cân bằng các chất. Tham gia sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường…Duy trì lịch khám đều đặn với bác sĩ, có thể sử dụng tư vấn từ xa để giảm thiểu chờ đợi và hạn chế tiếp xúc, mua thuốc và các thiết bị để tự theo dõi tại nhà. Hồng Vân |