Những điều cần biết về bệnh nhiễm Adenovirus
Cơ thể nhiễm virus Adenovirus có thể mắc một số bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng thần kinh và nhiễm trùng mắt. Trường hợp bệnh do virus gây ra trở nên nặng có thể dẫn đến tử vong.
1. Nhiễm adenovirus là gì?
Adenovirus có ít nhất 90 loại virus riêng biệt và tất cả nhóm tuổi đều có thể nhiễm loại virus này. Người bệnh sau khi nhiễm adenovirus sẽ có thời gian ủ bệnh trước khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện là từ 5 - 6 ngày.
Cơ thể nhiễm adenovirus khi phơi nhiễm với người có virus hoặc chạm vào bề mặt hoặc vật dụng có sẵn adenovirus. Các đường nhiễm virus khác là hít phải virus trong những bọt nước trong không khí do người bị nhiễm adenovirus ho hoặc hắt hơi không che tay, tiếp xúc với tay của người đã chạm vào mắt vốn đã bị nhiễm trùng (kết mạc) hoặc mũi hoặc đàm. Adenovirus có thể phát tán qua phân của người bệnh bị tiêu chảy.
Adenovirus có thể sống đến 30 ngày trên các bề mặt trong điều kiện môi trường bình thường. Virus này cũng đã được báo cáo có trong nước không khử clo và gây viêm kết mạc (mắt đỏ) do bơi trong nước này.
Hình chụp kính hiển vi điện tử của Adenovirus khiếm khuyết
2. Hội chứng lâm sàng khi nhiễm adenovirus
Nhiễm adenovirus (loại virus có hơn 40 tuýp kháng nguyên) gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng. Người bệnh khi nhiễm virus có thể không có triệu chứng nào đặc biệt hoặc có thể tự khỏi. Nhiễm adenovirus thường hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc những người sống trong trại lính. Ở những bệnh nhân ghép gan, ghép thận, ghép tủy xương cũng có thể dễ bị nhiễm loại virus này. Adenovirus có thời gian ủ bệnh diễn ra từ 4 - 9 ngày, tiếp đó người bệnh sẽ biểu hiện một số hội chứng lâm sàng chồng chéo bao gồm:
- Viêm mũi họng, cảm giác mệt mỏi do nhiễm lạnh và chưa có biểu hiện sốt;
- Viêm họng xuất tiết không do liên cầu: Lúc này người bệnh sẽ bị sốt kéo dài từ 2 - 12 ngày kèm theo đau cơ, toàn thân mệt mỏi. Đau họng thường biểu hiện bằng sung huyết lan tỏa, có những chấm xuất tiết, hạch to vùng cổ. Ho đôi khi kèm theo có ran ở phổi, trên phim X-quang có hình ảnh viêm phổi. Bệnh nhân thường có viêm kết mạc;
- Sốt viêm họng - kết mạc: Người bệnh bị sốt, mệt mỏi, bị viêm kết mạc (thường ở một bên) và viêm họng ở mức độ nhẹ;
- Viêm kết - giác mạc thành dịch lây truyền từ người này sang người khác thường gặp ở người lớn, biểu hiện bằng đỏ kết mạc một bên, đau mắt, chảy nước mắt, hạch to ở vùng trước tai. Viêm giác mạc dẫn tới đục dưới biểu mô (đặc biệt là do tuýp 8, 19 hoặc 37);
- Viêm bàng quang xuất huyết cấp: Bệnh thường gặp ở trẻ em do adenovirus tuýp 11;
- Loét tiết niệu sinh dục lây lan qua đường tình dục và viêm niệu đạo do adenovirus tuýp 2, 8 và 37;
- Viêm dạ dày ruột cấp tính: Do tuýp 40, 41 gây ra tình trạng lồng ruột và rất hiếm gây viêm não, viêm màng ngoài tim.
Viêm dạ dày ruột cấp tính do virus
3. Điều trị nhiễm adenovirus
Nếu người bệnh nhiễm adenovirus nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Các biện pháp chăm sóc hỗ trợ mang lại hiệu quả cao các bệnh có adenovirus gây ra được biết đến là:
- Giảm tình trạng viêm đau vùng họng bằng súc miệng nước muối, có thể kết hợp với sử dụng thuốc kháng viêm Nonsteroid (Ibuprofen, diclofenac..), alphachymotripsin (alpha-choay) hoặc các thuốc ngậm như: Dorithricin, Strepsils..
- Giảm tiết dịch mũi, giảm đờm bằng nhỏ mũi bằng nước muối hoặc các thuốc kháng histamin H1 như: Cetirizine, loratadine, diphenhydramin..
- Hạ sốt giảm đau, giảm nhức mỏi bằng Paracetamol, ibuprofen.
- Giảm tình trạng khò khè khó thở trong viêm phế quản: salbutamol, albuterol,.
- Nhỏ nước muối sinh lý trong viêm kết mạc – giác mạc mắt, có thể kết hợp thêm nhỏ kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn: Neomycin, tobramycin.
- Thuốc kháng tiết, trung hòa axit dạ dày trong thể viêm dạ dày cấp.
- Thuốc giảm co thắt để giảm đau: buscopan, averin citrate và thuốc sát khuẩn đường niệu xanh Methylen (Mistasol Blue) trong thể viêm bàng quang xuất huyết.
- Cung cấp Vitamin, đặc biệt là vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Nếu người bệnh nhiễm adenovirus nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Các biện pháp chăm sóc hỗ trợ mang lại hiệu quả cao các bệnh có adenovirus gây ra được biết đến là:
- Giảm dịch tiết mũi bằng nước muối và hút.
- Sử dụng nước muối ưu trương hoặc albuterol để chống nghẹt mũi.
Trường hợp người nhiễm adenovirus có tình trạng bệnh nặng, thậm chí nguy cơ dẫn đến tử vong do bị suy hô hấp, suy giảm hệ miễn dịch, biến chứng tiêu hóa nặng cần được điều trị bằng thuốc kháng adenovirus như cidofovir. Tiếp tục theo dõi xét nghiệm virus trong phòng thí nghiệm để theo dõi đáp ứng điều trị.
Các biện pháp ngăn ngừa nhiễm adenovirus
Rửa tay thường xuyên là biện pháp hàng đầu được tư vấn bởi các chuyên gia y tế. Khi tay chưa được rửa sạch cần tránh chạm vào mắt, mũi, miệng. Thường xuyên làm sạch bề mặt các vật dụng hay dùng tới bằng các sản phẩm tẩy rửa. Trong mùa dịch, người bị nhiễm virus cần được đưa đến bệnh viện để được điều trị và cách ly hoặc nếu triệu chứng nhẹ thì nên ở nhà, không đến chỗ đông người, tránh lây lan virus ra cộng đồng.
Hiện nay đã điều chế được vắc-xin chống lại một số loại adenovirus (loại huyết thanh 4 và 7) do Cơ quan Quản lý Thực phẩm Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê chuẩn.
Rửa tay thường xuyên giúp ngăn ngừa nhiễm adenovirus
Theo vinmec.com