A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lưu ý dành cho phụ huynh và người chăm sóc khi đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid - 19

 

Từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi đều có thể mắc Covid-19, vì vậy cần tiêm vaccine là giải pháp hàng đầu trong phòng ngừa dịch bệnh. Vấn đề tiêm vắc xin Covid -19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm, mọi sự thận trọng đều rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ cũng như tăng hiệu quả của vắc xin.

Tiêm Vắc xin  Covid -19 cho trẻ tại trạm y tế Cẩm Hưng huyện Cẩm Giàng

Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng Bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cung cấp một số thông tin quan trọng về việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ các phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần đặc biệt lưu ý nhằm giúp quá trình tiêm vắc xin diễn ra thuận lợi, an toàn:

1. Cha, mẹ, người giám hộ đọc kỹ thông tin trong Giấy mời tiêm chủng cho trẻ được gửi đến gia đình; điền đầy đủ thông tin và ký vào Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (nếu đồng ý cho trẻ tiêm chủng).

2. Đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng lịch hẹn tiêm chủng (thời gian, địa điểm). Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi đi tiêm.

3. Khi đi tiêm chủng: hướng dẫn và cùng với trẻ thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K phòng, chống dịch Covid -19.

- Chủ động thông báo cho giáo viên, nhân viên y tế các thông tin:

* Thông tin cá nhân của trẻ, họ tên cha, mẹ, người giám hộ và số điện thoại liên hệ khi cần thiết.

* Tình trạng sức khỏe của trẻ như: tiền sử mắc COVID-19 (nếu có), tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng, dị tật bẩm sinh, bệnh lý nền, các loại thuốc điều trị trẻ đang sử dụng…

*Trẻ bị dị ứng trong lần đầu tiêm chủng vaccine Covid-19, dị ứng bất kỳ thành phần nào của vaccine, thì không được tiêm chủng. Trẻ đang mắc bệnh cấp tính, đang trong một đợt điều trị corticoid (thuốc kháng viêm) liều cao hoặc bệnh mạn tính tiến triển, nên trì hoãn tiêm chủng.

*Người giám hộ cần giữ sức khỏe ổn định cho trẻ trước, trong và sau khi tiêm. Nếu trẻ bị ốm, có biểu hiện bệnh đường hô hấp hoặc nghi mắc Covid-19, gia đình nên hoãn tiêm cho trẻ.

- Phối hợp chặt chẽ cùng giáo viên, nhân viên y tế, thực hiện đầy đủ các quy định tại buổi tiêm chủng cho trẻ.

4. Sau khi tiêm vắc xin, trẻ thường có các phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi... Cha mẹ hãy cùng con ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, xử trí phản ứng phản vệ nếu có.

- Khi về nhà, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi chặt các dấu hiện trên cơ thể trẻ. Trẻ nhỏ thường hiếu động, không ngồi yên tại chỗ lâu, đôi khi chưa thể nói hoặc mô tả kỹ lưỡng các dấu hiệu như người lớn. Do đó, cha mẹ chủ động theo dõi sát diễn biến của con.

Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, gia đình hãy cho uống thuốc hạ sốt và bổ sung nhiều nước.  Gia đình nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, không kiêng khem uống nhiều nước, ăn hoa quả. Nước dừa là nước trái cây rất tốt khi sử dụng cho trẻ sốt virus, sốt xuất huyết, cân bằng điện giải, gia đình có thể cho con uống sau tiêm trẻ nên ăn nhiều trái cây, vitamin, vi chất để hệ miễn dịch hoạt động đáp ứng tốt nhất. Trường hợp bị sưng, đau tại vết tiêm, phụ huynh không nên đắp bất cứ vật gì lên vết tiêm tránh ảnh hưởng đến tác dụng văc xin. Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất    

 

                                                                                                Phương Anh 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TIN TỨC - SỰ KIỆN