A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiên cứu khoa học về cây lược vàng

Để đáp ứng nhu cầu thông tin khoa học của nhân dân về khả năng sử dụng làm thuốc của cây lược vàng, tháng 9/2009, Bộ Y tế đã giao cho Viện Dược liệu chủ trì và TSKH. Nguyễn Minh Khởi làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu tác dụng sinh học và độc tính của cây lược vàng Callisia fragrans (Lindl.) Woods.” với mục tiêu đánh giá được độc tính cấp, bán trường diễn và một số tác dụng sinh học của lá và thân bò lược vàng

Để đáp ứng nhu cầu thông tin khoa học của nhân dân về khả năng sử dụng làm thuốc của cây lược vàng, tháng 9/2009, Bộ Y tế đã giao cho Viện Dược liệu chủ trì và TSKH. Nguyễn Minh Khởi làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu tác dụng sinh học và độc tính của cây lược vàng Callisia fragrans (Lindl.) Woods.” với mục tiêu đánh giá được độc tính cấp, bán trường diễn và một số tác dụng sinh học của lá và thân bò lược vàng. Sau 12 tháng thực hiện, đề tài đã được nghiệm thu cơ sở ngày 24/09/2010 và nghiệm thu chính thức ngày 04/01/2011. Kết quả của đề tài đã được công bố trên Tạp chí dược liệu, Hội nghị Khoa học lần thứ 11 của Viện Dược liệu (18/4/2011) và Hội nghị quốc tế Mekong Santé lần thứ 3 (10-12/5/2012).

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã giám định tên khoa học của các mẫu nghiên cứu thu tại Thanh Hóa, Hà Nội và Bắc Giang là Callisia fragrans (Lindl.) Woods., họ Commelinaceae (Thài lài). Các mẫu thử độc tính và tác dụng sinh học đã được điều chế theo cách gần tương tự như cách chế biến và sử dụng theo kinh nghiệm nhân dân. Liều thử các tác dụng dược lý trên động vật được tính dựa trên các liều hiện đang được sử dụng cho người: 30-120g (2-6 lá tươi)/ngày hoặc 6-24g (1-4 đốt) thân bò/ngày. Các thử nghiệm về độc tính và tác dụng sinh học đã được thực hiện tại Khoa Dược lý – Sinh hóa, Viện Dược liệu, Bộ môn Dược lý, Trường Đại học Y Hà Nội và Bộ môn Tế bào – mô – phôi và lý sinh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên.

Kết quả nghiên cứu về tác dụng sinh học và độc tính của cây lược vàng có thể tóm tắt như sau:

- Lá và thân bò lược vàng đều là những dược liệu khá an toàn, liều dùng có khoảng cách xa so với liều độc. Tuy nhiên, không nên sử dụng lâu ngày, không sử dụng ở liều cao do có độc tính với gan, thận trên động vật thực nghiệm.

- Lược vàng có 3 tác dụng khá nổi trội:

+ Tác dụng kháng khuẩn (với những chủng vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp)

+ Tác dụng tăng cường miễn dịch

+ Tác dụng chống oxy hóa

- Lược vàng có tác dụng chống viêm mạn, tác dụng giảm đau ngoại biên và ức chế một số dòng tế bào ung thư ở mức độ trung bình.

- Lược vàng không có tác dụng giảm đau theo cơ chế thần kinh trung ương, không gây hạ huyết áp trên thực nghiệm và không có tác dụng trên hoạt tính của 2 enzym: xanthine oxidase (gây tăng acid uric) và lypoxygenase (xúc tác quá trình oxy hóa trong cơ thể). 

Các bài báo về kết quả nghiên cứu cây lược vàng đã công bố:

1. Trịnh Thị Điệp, Đỗ Thị Phương, Nguyễn Kim Phượng, Nguyễn Minh Khởi (2008), Bước đầu nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây lược vàng Callisia fragrans (Lindl.) Woods., Tạp chí Dược liệu, Tập 13, số 6, tr. 276-279.

2. Nguyễn Minh Khởi, Trịnh Thị Điệp, Đỗ Thị Phương, Phạm Nguyệt Hằng, Nguyễn Thị Phượng, Phương Thiện Thương, Nguyễn Trang Thúy, Hoàng Thị Diệu Hương (2011), Nghiên cứu tác dụng chống viêm, giảm đau và chống oxy hóa của lá và thân bồ lược vàng, Tạp chí Dược liệu, tập 16, số 1+2, tr. 50-57.

3. Nguyễn Minh Khởi, Trịnh Thị Điệp, Đỗ Thị Phương, Phạm Nguyệt Hằng, Nguyễn Thị Phượng, Hoàng Thị Diệu Hương (2011), Độc tính cấp và bán trường diễn của lá và thân bồ lược vàng, Tạp chí Dược liệu, tập 16, số 1+2, tr. 38-44.

4. Hoàng Thị Diệu Hương, Trịnh Thị Điệp, Trần Thanh Hà, Nguyễn Minh Khởi (2011), Thành phần hóa học của thân bồ lược vàng, Tạp chí dược liệu, Tập 16, số 5, tr. 310-314.

5. Nguyễn Minh Khởi, Nguyễn Trọng Thông, Phạm Thị Vân Anh, Trịnh Thị Điệp, Trần Thanh Hà, Hoàng Thị Diệu Hương (2011), Tác dụng kích thích miễn dịch của lá và thân bồ lược vàng trên chuột gây suy giảm miễn dịch bằng tia xạ, Tạp chí dược liệu, Tập 16, số 5, tr. 282-288.

6. Nguyễn Minh Khởi, Trịnh Thị Điệp, Nguyễn Trọng Thông, Phạm Thị Vân Anh, Đỗ Thị Phương, Phạm Nguyệt Hằng, Nguyễn Thị Phượng, Phương Thiện Thương, Nguyễn Trang Thúy, Hoàng Thị Diệu Hương (2011), Nghiên cứu độc tính và tác dụng sinh học của cây lược vàng, Công trình nghiên cứu khoa học Viện Dược liệu 2006-2011, NXB Khoa học và Kỹ thuật, tr. 233-241.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
DỊCH VỤ