A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống tăng huyết áp trong thai kỳ

 

Tăng huyết áp là một căn bệnh rất nguy hiểm cho tất cả mọi người, với người mang thai, tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng sức khoẻ cho mẹ và bé. Đây là bệnh lý rất nguy hiểm có thể dẫn đến sinh non, tiền sản giật, sản giật...thậm chí gây tử vong ở người mẹ nếu không được can thiệp sớm.

 

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hàng năm khám và tư vấn hơn nghìn lượt người là chị em phụ nữ mang thai. Trong quá trình khám đã kịp thời phát hiện những thai phụ măc đái tháo đường, tăng huyết áp…qua đó được điều trị kịp thời để có một thai kỳ khỏe mạnh- an toàn.

Phụ nữ mang thai cần thăm khám định kỳ để phát hiện các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp…

Theo Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Quyên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai thường xảy ra xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ và trở về bình thường sau 6 tuần sau đẻ (được đo 2 lần cách nhau 4 giờ) và không có protein trong nước tiểu. Thông thường, huyết áp của thai phụ là dưới 140/90 mmHg. Khi huyết áp tăng vượt quá 140/90 mmHg thì đồng nghĩa với việc mẹ bầu bị cao huyết áp khi mang thai. Huyết áp quá cao hoặc quá thấp đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và bé, đặc biệt là có nguy cơ cao bị tiền sản giật.

 

Nguyên nhân gâytăng huyết áp ở phụ nữ mang thai là do chế độ ăn uống và dinh dưỡng khi mang thai không khoa học, thai phụ ăn quá mặn, ít hoặc không hoạt động thể chất. Thay đổi thời tiết bất ngờ, từ nóng chuyển sang lạnh, từ lạnh chuyển sang nóng đột ngột, chị em phụ nữ có thai sau 35 tuổi...Các dấu hiệu cao huyết áp khi mang thai thường gặp như buồn nôn, sưng phù, đau đầu, tăng cân đột ngột, rối loạn thị giác… nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây nguy hại tính mạng cho cả mẹ và bé. Điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai cần được thực hiện theo chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ.

 

Để chủ động phòng ngừa tăng huyết áp, các thai phụ cần lưu ý không nên mang thai và sinh nở khi đã nhiều tuổi. Duy trì thói quen tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày. Với thai phụ bị bệnh đái tháo đường, cần nhờ bác sĩ tư vấn để kiểm soát đường huyết ổn định. Có chế độ ăn uống khoa học và đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Trong đó, phụ nữ mang thai cần chú trọng bổ sung đầy đủ khoáng chất canxi trong suốt thai kỳ…

 

Có thể khẳng định, tăng huyết áp thai kỳ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó ngay khi có thai, các mẹ cần thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để phát hiện sớm cao huyết áp thai kỳ nếu có.

                                                                                      Thu Hương


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TIN TỨC - SỰ KIỆN