A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi trẻ khuyết tật được quan tâm chăm sóc

 

Trẻ em khuyết tật còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nên rất cần đến sự quan tâm và chăm sóc của nhà nước và xã hội như trẻ bình thường để trẻ có điều kiện phát triển thể chất và học tập. Với sự đồng hành của khoa phục hồi chức năng nhi (Bệnh viện Điều dưỡng Hải Dương), nhiều trẻ khuyết tật đã tự tin giao tiếp, khỏi bệnh và trở về hòa nhập với cộng đồng.

 

Khoảng 2 tuần nay bà nội của cháu Vũ Thị Thùy Dương (18 tháng tuổi) ở phố Đặng Quốc Chinh (TP Hải Dương) vẫn thường xuyên đưa cháu đến đây để phục hồi chức năng vì cháu bị điếc bẩm sinh, nửa người yếu, chưa đi lại được. Vào đây cháu đã được các y, bác sĩ của khoa phục hồi chức năng nhi tận tình chăm sóc như xoa bóp, xung điện, hoạt động trị liệu, dạy ngôn ngữ. Sau một thời gian điều trị sức khỏe của cháu dần khá hơn, đã chập chững biết đứng, đi được một, 2 bước, nhận biết của cháu cũng nhanh hơn. Bà nội của cháu cho biết: gia đình phát hiện cháu bị câm điếc từ lúc 9 tháng tuổi, cháu chỉ thể hiện bằng ánh mắt rất tốt nhưng kỹ năng nghe, phát âm không nghe thấy, chân tay yếu cho đến bây giờ cháu vẫn chưa tự đứng được nên gia đình rất hoang mang, lo lắng. Nhưng sau khi được các y, bác sĩ tích cực điều trị nên giờ được như thế này thôi cũng đã là cả một quá trình hồi phục cho cháu rồi. Vì vậy gia đình tôi cũng thấy yên tâm hơn!

 

Cháu Trần Anh Dũng 8 tuổi, quê ở phường Cộng Hòa (TP Chí Linh) vào đây điều trị được gần 1 tháng nay. Sau khi mổ u não cháu được chuyển về khoa phục hồi chức năng nhi điều trị. Do di chứng của u não lên chân tay của cháu yếu hẳn, đưa lên đưa xuống, cầm nắm không tự cử động được. Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, kiên trì của các y, bác sĩ nên bệnh tình của cháu đã giảm hẳn. Chân tay của cháu tiến triển khá hơn đã bắt đầu đưa lên, đưa xuống, tự cầm nắm được vài thứ...

 

Điều dưỡng Lưu Thị Thủy đang dạy ngôn ngữ trị liệu cho trẻ

 

Điều dưỡng Lưu Thị Thủy hỗ trợ về mảng ngôn ngữ cho biết: một ngày chị dạy cho từ 8-10 trẻ như các trường hợp kể trên. Dạy những trẻ bình thường đã vất vả, nhưng đối với những trẻ khuyết tật thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Hầu hết các cháu đều không hợp tác nên trong quá trình dạy học, cô giáo phải rất nỗ lực, kiên trì. Đặc biệt, các cô phải có tình thương, lòng yêu trẻ và tâm huyết với công việc. Khó khăn nữa mà những giáo viên phải đối mặt là khả năng tiếp thu cũng như nhận biết của trẻ khuyết tật rất chậm, kỹ năng bắt chước kém. Có cháu dạy cả tháng trời mà vẫn không biết chào hay nói chuyện. Có trường hợp giáo viên phải kiên nhẫn dạy 4-5 tháng thì trẻ mới có thể bật ra được những tiếng đơn giản như ông, bà, bố, mẹ…

 

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Danh Quyền, quyền trưởng khoa Phục hồi chức năng nhi cho biết: Điều trị cho trẻ khuyết tật đòi hỏi thời gian lâu dài, kiên trì, kiên nhẫn và quan trọng nhất cha mẹ là người can thiệp chính cho con mình. Khoa Phục hồi chức năng nhi (Bệnh viện Điều dưỡng Hải Dương) có chức năng tiếp, thu dung điều trị tất cả các bệnh nhân nhi bị khiếm khuyết về vận động, chậm phát triển về tâm thần, chậm phát triển vận động, ngôn ngữ và các di chứng của các bệnh lý về não, các tổn thương thứ phát, di chứng liệt nửa người về tổn thương não, trẻ còi xương suy dinh dưỡng… Mỗi năm khoa điều trị cho hơn 100 trẻ khuyết tật, hiện tại khoa đang điều trị cho hơn 20 cháu, trong đó có 11 trẻ bị bại não, rối loạn ngôn ngữ, 2 trẻ bị sơ hóa cơ ức đòn chũm, 1 trẻ bị vẹo cổ không rõ nguyên nhân, 2 trẻ bị liệt nửa người, 3 trẻ bị chậm phát triển vận động, 2 trẻ bị liệt 1 tay, 5 trẻ rối loạn ngôn ngữ độc lập, 3 trẻ bàn chân bẹp.  Khoa hiện có 17 cán bộ, trong đó có 4 bác sĩ, 4 kỹ thuật viên, còn lại là điều dưỡng được cấp chứng chỉ phục hồi chức năng. Khoa hiện có 30 giường bệnh, 12 buồng phòng thủ thuật gồm 1 phòng hoạt động trị liệu, 1 phòng vật liệu trị liệu, 1 phòng châm cứu, hồng ngoại, 2 phòng ngôn ngữ… Hiện tại khoa được trang bị máy kích thích phát âm, điện xung điện phân, máy điện châm, máy siêu âm điều trị, đèn hồng ngoại, bộ dụng cụ đồ chơi, bộ dụng cụ hình ảnh, máy tập đứng, cầu thang tập đi…

 

Bác sĩ Quyền cho biết thêm: Trẻ khuyết tật đến đây được bác sĩ chuyên khoa khám, lượng giá chức năng, xác định mục tiêu điều trị, phân loại bệnh nhân vào điều trị. Với những trẻ bị bại não, rối loạn ngôn ngữ chúng tôi sẽ  huấn luyện cho trẻ các kỹ năng giao tiếp sớm, kỹ năng hiểu ngôn ngữ và diễn đạt bằng ngôn ngữ, sửa ngọng và các kỹ thuật can thiệp hành vi, sửa lỗi phát âm …Áp dụng các phương pháp kích thích giao tiếp, giao tiếp thay thế và hỗ trợ (AAC). Thực hiện các bài tập vận động môi miệng chuẩn bị cho nói và điều trị các trường hợp khó khăn về nhai nuốt. Đối với hoạt động trị liệu sẽ phục hồi chức năng vận động tinh bàn tay nhằm tập cho trẻ kĩ năng với cầm, thả vật ra khỏi lòng bàn tay, phối hợp hai tay, phối hợp tay mắt. .. Đến nay những trẻ bị mắc những loại bệnh này như chậm phát triển ngôn ngữ, sơ hóa cơ ức đòn chũm, chậm phát triển vận động… sau khi vào đây điều trị đều có tiển triển và có nhiều trẻ đã khỏi hoàn toàn để hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên việc phục chức năng cho trẻ khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn như trang thiết bị phục vụ điều trị còn thiếu thốn, hiện chưa có phòng thủy trị liệu, âm nhạc trị liệu. Chưa có phòng nấu ăn riêng biệt cho trẻ, nhất là đối với trẻ bị xơ hóa đòn chũm mới được mấy tháng tuổi nên ăn uống phải đảm bảo, theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt mà khoa thì chưa có bếp ăn để nấu. Đội ngũ giáo viên giảng dạy còn ít, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng… Một điều khó khăn nữa là hiện nay do dịch bệnh Covid -19 nên nhiều phụ huynh ngại đi khám nên đã bỏ qua thời gian vàng của trẻ. Trẻ điều trị ngắt quãng, khi đưa vào viện thì bệnh đã nặng hơn nên rất khó khăn cho việc điều trị.

                                                                          Hải Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TIN TỨC - SỰ KIỆN