Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid -19
Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những ngày qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều ca nhiễm mới, dịch không chỉ xuất hiện trong cộng đồng mà còn lây lan vào trường học, doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch diện rộng rất cao. Đáng lo ngại là một số ổ dịch chưa rõ nguồn lây.Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe khỏe người dân là quan trọng nhất tỉnh Hải Dương đã có nhiều biện pháp phòng dịch cao hơn yêu cầu trong thực hiện chiến lược 5K và vắc xin, đồng thời chủ động quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả với dịch Covid - 19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính Phủ phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương trong tỉnh.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân phường Quang Trung, thành phố Hải Dương
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 28.11, toàn tỉnh đã tiêm được gần 1,7 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19, trong đó trên 1,1 triệu mũi 1, số còn lại là mũi 2; đạt trên 57% số dân toàn tỉnh đã được tiêm ít nhất 1 mũi văc xin phòng Covid-19. Việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 15-17 tuổi, đã và đang được thực hiện tại các trường THPT ở 12 huyện, thị xã, thành phố… Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đã và đang nhận được sự tham gia, đồng thuận thực hiện tích cực của các tầng lớp nhân dân. Với tỷ lệ tiêm chủng cả mũi 1 và mũi 2 tăng cao là điều kiện quan trọng để tỉnh sớm đạt miễn dịch cộng đồng, đưa các hoạt động phát triển kinh tế-xã hộitrở lại bình thường.
Tuy nhiên, từ thực tế diễn ra tại một số địa phương cho thấy, một bộ phận người dân ý thức phòng, chống dịch chưa cao, vẫn có tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Một số người khi được tiêm đủ 2 mũi, có giấy xác nhận tiêm chủng đã xuất hiện tâm lý chủ quan, cho rằng bản thân đã "miễn nhiễm" với Covid -19, không thực hiện nghiêm các khuyến cáo về phòng chống dịch theo quy định 5K. Nhất là khi hiện nay, nhiều dịch vụ thiết yếu đã được mở cửa trở lại, nhiều người đã không chú trọng các biện pháp phòng dịch cơ bản, khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất dễ xảy ra. Đặc biệt, đã có các trường hợp từ các địa phương khác về tỉnh sinh sống, thăm thân hoặc lao động, công tác với suy nghĩ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trước đó, nhiều trường hợp trở về và cả những người thân, bạn bè với các trường hợp này đã chủ quan, lơ là, cho rằng được tiêm phòng là đủ bảo vệ, miễn nhiễm với dịch bệnh, nên không khai báo y tế, không có ý thức tự cách ly, theo dõi sức khỏe, tổ chức ăn uống, đi lại, tham gia các hoạt động tại những nơi đông người. Sau khi có kết quả xét nghiệm cho các trường hợp này, có trường hợp dương tính với Covid -19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người dân. Đặc biệt là ngành Y tế, đã rất vất vả và khó khăn trong việc điều tra, truy vết, cách ly, giám sát các trường hợp mắc bệnh cũng như những người liên quan đến ca bệnh mới phát hiện.
Bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Lợi ích và hiệu quả mà vắc xin phòng COVID-19 đã được nghiên cứu và qua thực tế đã được các nước trên thế giới và trong nước công nhận. Vắc xin giúp bảo vệ bản thân người được tiêm khỏi nhiễm bệnh, khi không may mắc bệnh thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn, giảm tỷ lệ nằm viện và giảm khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh. Tuy nhiên, không một loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. Sau tiêm vắc xin, người tiêm vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Và ngay cả khi tất cả mọi người dân đều được tiêm vắc xin thì cũng chỉ là cách tạo miễn dịch cộng đồng, là một biện pháp phòng ngừa chứ không thể tiêu diệt được vi rút SARS-CoV-2. Hơn nữa, dù tiêm đủ 2 mũi, nhưng vắc xin vẫn cần có thời gian để phát huy tác dụng. Các nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm vắc xin mũi 1, hiệu quả phòng các biến thể của COVID-19 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở lên, vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng từ 60% - 90% tùy loại vắc xin.
Như vậy, vắc xin phòng Covid -19 không thể bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh. Do đó, mặc dù đã được tiêm phòng vắc xin, thì mọi người vẫn cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng khác. Một số người đã tiêm vắc xin có thể không bị mắc bệnh, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang vi rút và lây bệnh cho người khác. Những người này vẫn có thể mang virút SARS-CoV-2, lây cho người già có bệnh nền chưa được tiêm vắc xin, khiến họ có thể trở nặng hoặc tử vong. Hoặc có thể lây cho trẻ em do hiện nay trẻ từ dưới 15 tuổi chưa được tiêm vắc xin, khiến dịch có thể bùng lên tại vùng có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp. Chính vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo, dù người đã được tiêm đủ cả 2 mũi vắc xin, vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, chủ động bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, trọng tâm là thực hiện các biện pháp 5K của Bộ Y tế: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế".
Phương Anh