A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng biểu dương tinh thần chống dịch của Hải Dương

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 24.2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần chủ động, quyết liệt trong chống dịch Covid-19 của một số địa phương, trong đó có Hải Dương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp

Kiểm soát tốt nhưng không được chủ quan

Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng khi Hải Dương đã và đang kiểm soát tốt tình dịch bệnh, triển khai thần tốc, quyết liệt, khẩn trương các biện pháp phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của y tế. Đã thực hiện nghiêm túc việc giãn cách, thần tốc lấy mẫu, truy vết để khoanh vùng dập dịch. Quyết liệt, mạnh mẽ xử lý vi phạm...

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, Hải Dương đã thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc xét nghiệm và truy vết. Đợt dịch lần này, cả nước đã lấy vượt 426.000 mẫu so với đợt trước, trong đó Hải Dương thực hiện trên phạm vi rộng nhất.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu khẳng định Hải Dương đã trải qua hơn 8 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện quyết liệt, thần tốc, đúng hướng, tình hình dịch đang được kiểm soát tốt. Số mắc SARS-CoV-2 đã giảm từ 40-50 ca những ngày đầu xuống còn trên dưới 10 trường hợp trong những ngày gần đây. Các điểm nóng như TP Chí Linh, Cẩm Giàng, Nam Sách đã được kiểm soát hoàn toàn. Toàn tỉnh đã có 214 bệnh nhân xuất viện. Nhiều khu phong tỏa đã được tháo dỡ. Nhiều nơi không có ca dương tính mới. Các tổ "Covid cộng đồng" được kiện toàn, mở rộng. Tỉnh khẩn trương xây dựng phương án để ổn định tình hình, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sau khi kết thúc thời gian giãn cách.

Mặc dù tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, song Thủ tướng yêu cầu Hải Dương cũng như các địa phương khác "phải tiếp tục chủ động, không chủ quan, tiến tới không còn dịch".

Bộ trưởng Y tế cho rằng Hải Dương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc và tăng cường hơn nữa các giải pháp phòng chống dịch. Bộ trưởng cho biết đã phân lập 28 mẫu bệnh phẩm tại Hải Dương, hầu hết liên quan đến chủng lây nhiễm tại Anh và là chủng biến thể của virus SARS-CoV-2 đang phổ biến hiện nay. Qua xét nghiệm, phát hiện có mẫu bệnh phẩm tại tỉnh liên quan đến chủng SARS-CoV-2 đang lây nhiễm ở Nam Phi. Mầm bệnh này có thể ở cộng đồng, ở các chuyên gia, người nhập cảnh... "Phải tăng cảnh giác, tăng cường giám sát, xét nghiệm các cơ sở y tế, các chuyên gia, những nơi có nguy cơ cao…", Bộ trưởng kiến nghị.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự tại điểm cầu Hải Dương

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam cho biết hiện Việt Nam đã có 5 chủng virus SARS-CoV-2. Tại Hải Dương, ngoài virus SARS-CoV-2 chủng cũ (đầu tiên), còn có 2 chủng mới bắt nguồn từ Nhật Bản và Nam Phi. Do đó, phải luôn cảnh giác, tiếp tục tập dượt, chủ động phương án phòng ngừa. Tới đây, Việt Nam sẽ có vắc-xin COVID-19 nhưng không phải vì thế mà được chủ quan, buông lỏng.  

Hỗ trợ Hải Dương lưu thông hàng hóa, kinh phí chống dịch

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu cho biết tỉnh sẽ tếp tục mở rộng xét nghiệm nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Chủ động xét nghiệm cho những nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao để đánh giá rộng hơn, từ đó thấy được mức độ an toàn để triển khai các giải pháp tiếp theo của mục tiêu kép.

"Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan, Hải Dương đang hoàn toàn làm chủ công tác xét nghiệm. Tuy nhiên, việc xét nghiệm nhiều khả năng sẽ phải kéo dài, dự kiến có thể toàn tỉnh phải xét nghiệm từ 500.000-600.000 mẫu, kinh phí rất lớn. Nếu dịch còn kéo dài thì rất cần tiếp tục có sự quan tâm của Nhà nước", đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị. Đồng chí cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo giúp Hải Dương lưu thông hàng hóa, nhất là ra cảng Hải Phòng. Những ngày qua, tỉnh đã nhiều lần làm việc, Hải Phòng cũng đã tạo điều kiện nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giúp Hải Dương giải quyết những khó khăn, vướng mắc

Theo Bộ Công thương, Bộ đã nhận được thông tin và đã có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương. Tuy nhiên, có thể các địa phương hiểu chưa đúng, đủ nội dung nên có những hình thức áp dụng khác nhau. "Nông sản chỉ là một vấn đề. Hải Dương là tỉnh nằm trong trung tâm công nghiệp trọng điểm của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và phục vụ cho chính các địa phương khác. Những kiến nghị của tỉnh cần được tháo gỡ để hàng hóa lưu thông, tạo điều kiện căn bản để thực hiện mục tiêu kép", lãnh đạo Bộ Công thương nói.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Hải Dương đang gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Hải Phòng dỡ bỏ các quy định liên quan, tạo ra một hành lang vận tải thuận lợi từ Hải Dương sang Hải Phòng và ngược lại.

Liên quan đến việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, cũng dễ hiểu trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, "Hải Dương thì phản ứng, Hải Phòng thì kiên quyết". Để tháo gỡ khó khăn này, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải cần khẩn trương phối hợp ban hành quy trình thống nhất về vận chuyển hàng hóa. Chúng ta chống dịch nhưng đồng thời phải lưu thông hàng hóa làm sao cho thông thoáng, không được ngăn sông, cấm chợ, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, càng không được tạo ra cái hố ngăn cách giữa các tỉnh".

"Vừa rồi truyền thông làm chưa tốt. Ngay cả một số báo chính thống cũng đưa những thông tin thiếu chính xác, lan tỏa tiêu cực. Nhiều thông tin không rõ đâu là vùng dịch dẫn đến Hải Dương bị coi là vùng dịch. Trong "đầu" Hải Phòng nghĩ Hải Dương là vùng dịch nên mới ngăn cấm. Báo chí phải giúp toàn dân đoàn kết, đồng lòng, đồng sức đánh giặc", Phó Thủ tướng nói thêm.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Hải Dương nghe Thủ tướng Chính phủ kết luận cuộc họp trực tuyến

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng vào cuộc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, không ngăn cấm chợ. Phải đề ra các tiêu chí nhằm tiêu thụ nhanh sản phẩm trong vùng có dịch song phải bảo đảm an toàn. Các địa phương có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Chính quyền các địa phương căn cứ tình hình để có thể dỡ bỏ các vùng cách ly, phong tỏa khi cần.

Thủ tướng giao các Bộ Y tế, Công thương phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương chuẩn bị một số khu vực giao dịch cần thiết, an toàn, không để ách tắc hàng hóa. "Chống dịch là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nhưng không thể vì chống dịch mà ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Đây là điểm nghẽn mà không giải quyết sớm thì nhất định sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là Hải Phòng phải bảo đảm các giải pháp lưu thông hàng hóa bình thường, tuyệt đối không ngăn sông, cấm chợ. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai ngay quy chế lưu thông vùng trọng điểm kinh tế Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tập trung, thần tốc, quyết liệt, chủ động các giải pháp để đợt dịch thứ ba sớm kết thúc.

Đối với kiến nghị của Hải Dương về hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm tham mưu đề xuất tháo gỡ.

Cũng tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết từ sau Tết Nguyên đán, tỉnh đã đón 25.488 lao động ở tỉnh ngoài vào làm việc, trong đó có hàng nghìn lao động Hải Dương. Không có chuyện Quảng Ninh ngăn sông, cấm chợ, tỉnh vẫn tiếp nhận hàng hóa từ Hải Dương bình thường nhưng bảo đảm quy định phòng chống dịch.

                                                                                                                                                                                   Theo baohaiduong.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TIN TỨC - SỰ KIỆN