Thủ Tướng phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid – 19 lớn nhất, kéo dài 9 tháng
Tính từ ngày 27/5 - 7/7, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận được tổng số tiền 125.092.444.622 đồng và 10.000 USD của 345 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ, đăng ký ủng hộ mua vaccine phòng dịch Covid -19. Số tiền đã về quỹ MTTQ tỉnh quản lý là 93.992.444.622 đồng và 10.000 USD. Ngoài ra, quỹ vaccine tại các huyện, thành phố trong tỉnh cũng nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương.
Sáng ngày 10/7, Bộ Y tế tổ chức lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, kết nối với 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Hải Dương Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chủ trì hội nghị.
Tại buổi lễ phát động, Bộ Y tế cũng đặt ra mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine COVID-19 trong năm 2021. Tới hết quý I/2022, trên 70% dân số sẽ được tiêm vaccine COVID-19; 16 đối tượng được tiêm chủng và 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Đây là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất năm kéo dài từ năm 2021 - 2022, triển khai từ tháng (7.2021- 4.2022) tại tất cả cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến. Theo đó, Việt Nam phấn đấu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022, có thể đạt miễn dịch cộng đồng, tương ứng với 70% dân phải được tiêm vắc xin covid - 19.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau thời gian chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ lưỡng, chúng ta chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.
Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh: Sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết…
Theo Thủ tướng, việc sử dụng vaccine trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Những liều vaccine đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả.
Mục tiêu của Chiến lược vaccine là tiêm miễn phí hằng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng trên cả nước. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vaccine cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất trong nước. Mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine.
Thủ tướng yêu cầu, khi đã có vaccine, phải thực hiện tiêm chủng miễn phí cho nhân dân đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả. Mấy tháng vừa qua là giai đoạn khởi đầu tích lũy và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để chúng ta triển khai tiêm chủng trên diện rộng.
Để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt. Trong đó, Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các Bộ ngành, các địa phương có liên quan, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình, hiệu quả. Đặc biệt trong thời gian tới, lượng vaccine về nhiều, cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho nhân dân.
Thủ tướng khẳng định, để thực hiện Chiến lược vaccine, chăm lo dài hạn cho sức khỏe của nhân dân, Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vaccine hằng năm.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để đạt được những mục tiêu đề ra, phải cần có sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an,… để chiến dịch được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc; công tác tiêm chủng luôn quán triệt đảm bảo tỷ lệ bao phủ và an toàn tối đa cho người tiêm chủng “tiêm đến đâu an toàn đến đó”; thiết lập giám sát chất lượng vaccine, thành lập tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng để giám sát mọi hoạt động của quy trình tiêm chủng từ vận chuyển, bảo quản, phân bổ và tiêm chủng; Bộ Y tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một nền tảng ứng dụng trong tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, phối hợp một cách chặt chẽ và đẩy mạnh ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý tiêm.
Phương Anh