A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống bệnh truyền nhiễm mùa Đông Xuân.

Thời tiết giao mùa, nóng lạnh bất thường, mưa phùn, nồm ẩm là điều kiện thuận lợi tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phát triển đặc biệt dễ gây bệnh với trẻ do sức đề kháng yếu. Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết về tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm và khuyến cáo người dân.

 

Phóng viên: Ông cho đánh giá khái quát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong tháng 3 khi thời tiết giao mùa nóng lạnh bất thường, độ ẩm cao, mưa phùn…?

 

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh: Thời tiết mùa Đông Xuân hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh xuất hiện. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện và ghi nhận một số ca bệnh truyền nhiễm như: ho gà, cúm, sốt xuất huyết…Điển hình là bệnh sởi từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hi nhận 192 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong (cùng kỳ năm 2024 không ghi nhận ca mắc). Ghi nhận một ổ dịch 03 ca (ổ dịch kết thúc), còn lại mắc rải rác tại các địa phương trong tỉnh (TP Hải Dương có số mắc cao nhất (110 ca), các địa phương khác dao động từ 1-11 ca); tỷ lệ mắc nam (57,3%) nhiều hơn nữ giới (42,7%); tập trung ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, chiếm 64,6%; đa số là chưa được tiêm chủng hoặc không tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi (Có 88,02 % số ca mắc chưa tiêm đầy đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi, trong đó có 23,4 % trẻ chưa đủ tuổi tiêm (dưới 9 tháng tuổi) và 51,04 % số mắc chưa tiêm). Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã điều tra giám sát 215 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Kết quả có 192 trường hợp dương tính với virus sởi, 03 trường hợp âm tính, 20 chờ kết quả.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

 

Trong giai đoạn thời tiết giao mùa hiện nay, mưa phùn và nồm ẩm kéo dài là điều kiện rất thuận lợi để tác nhân gây một sô bệnh truyền nhiễm thường gặp trong cộng đồng như: Tay chân miệng, cúm, sởi, thủy đậu, ho gà, quai bị…

Phóng viên: Xin ông cho biết các giải pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa Đông Xuân của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh?

 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các đơn vị trong ngành đẩy mạnh việc giám sát, phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch truyền nhiễm, ngăn chặn, hạn chế sự lây lan, bùng phát các ổ dịch bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.

Phối hợp với các Trung tâm Y tế chỉ đạo các Trạm Y tế duy trì việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em trong độ tuổi để phòng chống các bệnh truyền nhiễm thường gặp trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trước mắt chỉ đạo các Trạm y tế tuyến tập trung rà soát, lập danh sách trẻ từ đủ 06 tháng đến dưới 09 tháng tuổi, trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin có thành phần sởi theo quy định và chuẩn bị các điều kiện để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoàn thành trong tháng 3 này. 

 Trung tâm tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng trên địa bàn duy trì việc cung cấp thông tin, tổ chức truyền thông cung cấp, cặp nhật các biện pháp chống bệnh tật cho người dân, trong đó đặc biệt chú ý đến tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng, lợi ích của tiêm vắc xin để người dân, nhất là các bậc phụ huynh có trẻ nhỏ tích cực hưởng ứng đưa trẻ đi tiêm chủng định kỳ vào ngày 25 hàng tháng tại các trạm y tế. Dự kiến 25-26/3 sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ đủ 6-9 tháng tuổi và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ các liều vắc xin sởi theo quy định.

Phóng viên: Để phòng tránh bệnh và ngăn chăn, hạn chế sự lây lan, bùng phát các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng xin ông cho lời khuyên?

 

 Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo mọi người cần giữ ấm cơ thể, chế độ dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa đảm bảo thông thoáng sạch sẽ. Đối với gia đình có trẻ nhỏ và các cơ sở giáo dục cần duy trì thường xuyên việc vệ sinh nhà ở, phòng học sạch sẽ, thoáng mát. Thường xuyên vệ sinh bàn tay trẻ sạch sẽ, cũng như thường xuyên vệ sinh đồ chơi, đồ dùng học tập của trẻ. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bị ốm, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế càng sớm, càng tốt để được thăm khám, tư vấn, hướng dẫn phương pháp điều trị kịp thời, phù hợp.

 

Các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến việc cần cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng bằng cách cho trẻ đến trạm y tế vào ngày tiêm chủng thường xuyên 25 hàng tháng theo thông báo mời của cơ quan y tế. Bởi vì chỉ có tiêm chủng mới giúp trẻ có miễn dịch chủ động để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường gặp. Đồng thời tiêm vắc xin giúp tạo ra miễn dịch cộng động, để hạn chế và ngăn chặn hiệu quả việc lây lan, bùng phát dịch bệnh.

 

                                                   Đức Thành


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TIN TỨC - SỰ KIỆN