Nguy cơ từ bệnh Sốt xuất huyết
Khác với năm trước, năm nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh xuất hiện muộn hơn và tăng nhanh trong những ngày gần đây. Nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng.
Phun thuốc diệt muỗi tại ổ dịch đường Chương Dương (TP Hải Dương)
Liên tiếp ghi nhận ca bệnh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến hết ngày 5.9, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 20 trường hợp nghi mắc SXH, trong đó có 8 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm dương tính.
Chỉ tính riêng hơn một tuần cuối tháng 8 liên tiếp trên địa bàn tỉnh ghi nhận các ổ dịch SXH ở TP Hải Dương, các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng. TP Hải Dương có nhiều người mắc và nghi mắc SXH nhất với 15 trường hợp. Như anh D.V.Đ., 50 tuổi, ở đường Chương Dương đêm 26.8 sốt cao trên 39 độ C, người mệt mỏi được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Thời gian qua anh Đ. và gia đình không đi đến các địa phương có dịch SXH.
Theo phản ánh của nhiều người dân ở phố Chương Dương, nhất là những hộ giáp sông Sặt thì năm nay muỗi xuất hiện nhiều so với năm trước. Tuyến sông này cũng có nhiều bụi rậm, là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn gây bệnh phát triển mạnh. Nhiều nhà dân ở khu vực đều dùng các vật dụng chứa nước đọng như chậu hoa, chậu cảnh… càng tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển thành muỗi gây bệnh.
Huyện Kim Thành mới đây cũng ghi nhận 2 vợ chồng cùng mắc SXH là ông B.Đ.S. và bà N.T.L. ở thị trấn Phú Thái. Trước đó, vợ chồng ông S. đi khám bệnh tại Hà Nội về, có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi nên đã vào viện điều trị. Chiều 5.9, sức khỏe của vợ chồng ông S. đã ổn định, sốt trên 38 độ C, ban đỏ xuất hiện và tiểu cầu giảm ít. Bác sĩ Phí Quang Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Thành cho biết: “Năm trước huyện không ghi nhận ca mắc SXH nào. Năm nay, mầm bệnh SXH thâm nhập vào địa bàn cùng lúc với dịch bệnh Covid-19 nên rất nguy hiểm".
Ngăn chặn dịch chồng dịch
Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chưa bao giờ dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện liên tục như năm nay. Hầu hết thời điểm này các năm trước có xuất hiện ổ dịch nhưng không có hiện tượng dịch chồng dịch. Dịch bệnh Covid-19 lần đầu tiên ghi nhận tại địa bàn tỉnh và dịch SXH xuất hiện trở lại trong cùng thời điểm là rất nguy hiểm. Trung tâm đã triển khai các biện pháp cấp bách để xử lý triệt để mầm bệnh ngay từ đầu để tránh dịch lây lan.
Hiện nay thời tiết nắng nóng xen kẽ những cơn mưa rào thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh trưởng, nguy cơ bùng phát các ổ dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các địa phương thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại các nhà dân xung quanh điểm phát sinh bệnh nhân nghi nhiễm; tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch SXH trên hệ thống loa truyền thanh, hướng dẫn khu dân cư tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, lật úp các dụng cụ chứa nước tiêu diệt bọ gậy. Trung tâm đã cử cán bộ xuống các ổ dịch mới và những ổ dịch các năm trước để điều tra chỉ số muỗi, bọ gậy nhằm xác định yếu tố liên quan để giúp xử lý ổ dịch triệt để.
Bác sĩ Hoàng Thạch Quyền, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khuyến cáo bệnh nhân SXH trong 3 ngày đầu có biểu hiện lâm sàng không khác sốt virus thông thường như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, thậm chí tiêu chảy nên người mắc thường chủ quan nghĩ là viêm họng hoặc sốt bình thường. SXH chưa có vaccine hay thuốc đặc trị, bệnh nhân phải được khám sàng lọc kỹ và xét nghiệm mới phát hiện được mắc hay không. Khi nghi ngờ mắc bệnh mọi người không được tự uống aspirin hay ibuprofen vì những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết. SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây nguy cơ tử vong khi mắc. Virus Dengue gây bệnh SXH có 4 type là DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4, một người có thể mắc SXH nhiều lần với các type virus khác nhau. Khi một người đã hồi phục sau khi nhiễm một chủng virus Dengue sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó. Tuy nhiên, họ vẫn hoàn toàn có thể bị nhiễm các chủng virus khác. Những lần mắc bệnh sau sẽ thường nặng hơn do ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo.
Đức Thành- Minh Hải