Chủ động phòng chống dịch bệnh
Năm 2019, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Các ổ dịch nhỏ lẻ được phát hiện, xử lý kịp thời không để xảy ra diện rộng đặc biệt không có trường hợp tử vong do bệnh dịch. Số bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm giảm hơn so với năm 2018 như bệnh tay-chân-miệng, quai bị, viêm não Nhật Bản B...Công tác điều tra giám sát phát phát hiện sớm các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh truyền nhiễm tại các tuyến được duy trì tốt đã góp phần phát hiện, khống chế nhanh dịch bệnh. Hệ thống giám sát dịch bệnh củng cố từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm qua phần mềm. Cán bộ trung tâm chủ động giám sát tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế. Đồng thời, các đơn vị đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng máy móc, hóa chất phòng chống dịch, duy trì hoạt động các đội cơ động phòng chống dịch. Các thành viên tham gia đội chống dịch cơ động đều được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng. Công tác tuyên truyền được chú trọng thông qua đó nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng chống dịch bệnh. Các hình thức truyền thông được thực hiện đa dạng qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống đài truyền thanh, tờ rơi, truyền thông trực tiếp, mít tinh hưởng ứng các sự kiện... Tuy nhiên, trước những diễn biến thời tiết bất thường khiến cho nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm phát triển thành dịch, gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa gia tăng, mật độ dân số tăng cao nên khó kiểm soát bệnh dịch. Trong năm, toàn tỉnh ghi nhận 415 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 212 trường hợp dương tính với vi rút sởi (tăng 196 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018) có 7 ổ dịch với 68 trường hợp mắc, các bệnh nhân còn lại mắc rải rác tại các địa phương. Điều tra dịch tễ cho thấy, đối tượng mắc bệnh sởi đa số là người lớn (55/212 trường hợp dương tính có độ tuổi từ 20 tuổi trở lên, người mắc cao tuổi nhất là 54 tuổi), các ổ dịch xuất hiện chủ yếu là ở các công ty (4/7 ổ dịch). Đây là những đối tượng chưa tiêm chủng hoặc đã được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi từ lâu nên có miễn dịch thấp, không đủ khả năng phòng bệnh. Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù trong các công ty nên việc quản lý bệnh nhân, triển khai các biện pháp phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Bệnh ho gà ghi nhận 27 trường hợp, tăng 21 trường hợp so với năm 2018, bệnh xuất hiện tại 11/12 huyện, thị xã, thành phố (trừ Nam Sách). Trong đó có: 04 trường hợp được tiêm chủng đầy đủ, 01 trường hợp được tiêm 02 mũi, các trường hợp còn lại chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà. Bệnh sốt xuất huyết 155 trường hợp mắc (tăng 116 trường hợp so với năm 2018), trong đó có 25 trường hợp bệnh có yếu tố dịch tễ nội địa, bệnh xuất hiện ở 10/12 huyện, TP,TX. Bệnh Thủy đậu 373 trường hợp (tăng 89 trường hợp so với năm 2018), trong đó có 7 ổ dịch với 215 trường hợp, số còn lại mắc rải rác. Công tác tiêm chủng mở rộng cơ bản đạt kết quả tốt, các chỉ tiêu đều đạt trên 97% so với kế hoạch. Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống sốt rét, không có dịch và tử vong do sốt rét, điều tra côn trùng sốt rét được đạt 100% kế hoạch. Năm 2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống bệnh ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường và một số bệnh không lây nhiễm khác trên địa bàn. Phun thuốc diệt sốt xuất huyết tại ổ dịch xã Thanh An, Thanh Hà Theo bác sỹ chuyên khoa 2, Phạm Duy Tuyến , Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để chủ động và kịp thời ngăn chặn các bệnh dịch truyền nhiễm, thời gian tới công tác phòng chống dịch bệnh cần có sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương. Để chủ động triển khai và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trước tiên phải tập trung giám sát bệnh tại các phường, xã, các ổ dịch cũ, các khu vực đông dân cư . Thực hiện các cuộc điều tra dịch tễ học và thu thập thông tin về các bệnh thường diễn ra, qua đó dự báo chính xác và chủ động nắm bắt tình hình diễn biến bệnh tật. Thường xuyên cập nhật thông tin và kiến thức cũng như kỹ năng phát hiện và xử lý các loại dịch bệnh, đặc biệt các bệnh mới nổi, nguy cơ tử vong và lây lan cao. Các cơ sở y tế trên địa bàn cần phối hợp tốt với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tốt công tác xử lý môi trường, làm sạch và khử khuẩn nguồn nước uống, nước sinh hoạt; tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch có hiệu quả. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các hộ gia đình và cộng đồng. Phương Anh |