Bảo vệ sức khoẻ phụ nữ mang thai trước đại dịch Covid - 19
Chúng tôi có mặt tại Khoa chăm sóc sức khoẻ sỉnh sản, thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh vào ngày làm việc đầu tháng 9, tại đây có nhiều phụ nữ mang thai đến khám bày tỏ quan tâm, lo lắng về những vấn đề chăm sóc sức khỏe thai kỳ trong mùa dịch Covid-19. Ngoài những lưu ý về chăm sóc thai kỳ thông thường, thì vấn đề liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 và những hệ lụy của dịch bệnh đều được các bà mẹ mang thai quan tâm và lo lắng .
Chị Lê Thu Trang, 25 tuổi, ở khu 2 phường Tân Bình, thành phố Hải Dương lo lắng nói: em mang thai lần đầu đúng thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, trên địa bàn phường có dịch bệnh và giãn cách xã hội nên cũng ảnh hưởng đến lịch thăm khám thai định kỳ. Đi thăm khám thai khi có dịch bệnh nhiều lúc em rất lo sợ lây nhiễm bệnh ảnh hưởng đến em bé... Nhưng khi đến Khoa chăm sóc sức khoẻ sỉnh sản, thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh được cán bộ y tế hướng dẫn kiểm soát các quy trình khi thăm khám để hạn chế lây lan của dịch bệnh …nên em rất yên tâm để lần sau đi khám thai theo đúng định kỳ.
Chị Cao Thuý Hạnh, 28 tuổi ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách cho biết: tôi vất vả về đường con cái lắm sau 3 năm lấy chồng nay mới mang thai lần đầu lại vào đúng lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên việc khám thai không được thực hiện đúng hẹn, tôi cũng không giám đi làm vì công việc buôn bán phải tiếp xúc với nhiều người nên sợ lây bệnh ảnh hưởng đến con, nghỉ nhiều ở nhà thì mất khách quen, không có tiền cho những tháng sinh. Tôi lên đây khám thai để các bác sĩ tư vẫn kỹ hơn xem có được tiêm phòng bệnh covid - 19 trong lúc mang thai để có thể yên tâm đi làm trở lại. Khám thai định kỳ tại khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Để giải đáp những thắc mắc của đa số thai phụ trong mùa dịch, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Quyên, cán bộ Khoa sức khoẻ sinh sản, thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Nhiều người lo lắng khi đi khám thai mùa dịch vì sợ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, bệnh viện luôn đặt sự an toàn thai phụ và thai nhi lên hàng đầu như kiểm soát các quy trình khi thăm khám để hạn chế lây lan của dịch bệnh bằng cách tuân thủ 5K hoặc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 khi cần thiết. Thai phụ cần khám theo lịch hẹn của bác sĩ và thực hiện đúng các hướng dẫn. Tuy nhiên, có thể hạn chế đến bệnh viện bằng cách thai phụ lưu số điện thoại cán bộ y tế thăm khám thai thường xuyên để tư vấn qua điện thoại .Lịch khám thai định kỳ thường chia theo quý I, II, III. Trong đó, giai đoạn quan trọng, không nên bỏ qua là khoảng 11 - 13 tuần 6 ngày, ngoài xem xét tình trạng thai kỳ, còn đo độ mờ da gáy, xét nghiệm máu phối hợp để sàng lọc các bệnh rối loạn nhiễm sắc thể của trẻ sơ sinh và tầm soát tiền sản giật sớm cũng như xét nghiệm lây truyền mẹ con để phát hiện các bất thường sớm trong thai kỳ. Quý II thường sẽ tầm soát trong khoảng tuổi thai 20 - 25 tuần. Nếu không đi khám được 2 lần, có thể chọn thời điểm 24 tuần là giai đoạn vừa tầm soát dị tật thai vừa xét nghiệm đái đường thai kỳ. Quý III, nên khám thai vào tuổi thai 30 - 32 tuần để xem thai phát triển như thế nào và hướng dẫn kế hoạch theo dõi chặt chẽ hơn, và từ 36 tuần trở đi, còn ước đoán cân nặng thai, xác định ngôi thai, xem tình trạng nước ối và theo dõi sức khỏe thai nhi…Trường hợp, nếu giãn cách xã hội, không có điều kiện khám thai, ít nhất thai phụ nên khám thai mỗi quý một lần để được hướng dẫn và tư vấn về tình trạng thai.
Bác sĩ Nguyễn thị Kim Quyên cũng cho biết: Phụ nữ mang thai bị nhiễm Covid -19 là rất nguy hiểm, đây là đối tượng dễ bị diễn biến nặng khi mắc Covid-19 và khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, can thiệp tuần hoàn ngoài cơ thể với tỷ lệ cao hơn so với người bình thường, thậm chí có thể gây tử vong mẹ, nguy cơ cho thai nhi. Các chuyên gia đề nghị tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai vì lợi ích nhiều hơn rủi ro…
Với tình hình dịch bùng phát hiện nay, phụ nữ mang thai bệnh sẽ trở nặng nếu bị nhiễm Covid-19. Vì vậy, ngày 10.8.2021 Bộ Y tế đã ban hành quyết định tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên để tạo kháng thể, qua nhau thai bảo vệ em bé những tháng đầu sau khi sinh trước yếu tố nguy cơ lây nhiễm xung quanh. Thai phụ nên tiêm vắc xin khi có cơ hội và cần được thăm khám về tình trạng của mẹ và thai ngay trước khi tiêm.
Trước nguy cơ dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội, phụ nữ mang thai cần phải có chế độ dinh dưỡng bổ sung đầy đủ, cân đối các dưỡng chất cần thiết, thai phụ nên bổ sung các thuốc bổ cần thiết cho thai nhi như canxi, viên sắt và acid folic, và đặc biệt lưu ý bổ sung vitamin D - một vitamin cần thiết cho chuyển hóa canxi, phát triển hệ xương của thai nhi. Bình thường cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin dưới ánh nắng mặt trời, tuy nhiên trong điều kiện hạn chế ra ngoài trời trong mùa dịch, việc bổ sung vitamin D bị thiếu hụt là rất cần thiết. Phụ nữ có thai hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết và áp dụng các biện phòng hộ cá nhân là cách phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có thai rất cần phải luyện tập, vận động thể lực một cách hợp lý. Do phải hạn chế ra ngoài trong mùa dịch, chị em nên tìm hiểu một số bài tập thể dục tại nhà dành cho phụ nữ có thai, nhưng phải lưu ý các động tác thể dục cần điều chỉnh cho phù hợp với tuổi thai.
Phương Anh | |