Chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu
Bệnh Thủy đậu (hay theo cách gọi của dân gian là bệnh trái rạ) là một bệnh truyền nhiễm do vi rút Varicella – Zoster gây ra. Mùa Đông Xuân là thời điểm bệnh thuỷ đậu xảy ra nhiều nhất. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Khi người mắc Thủy đậu nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho... thì các vi rút theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi này sẽ bị lây bệnh, vì vậy bệnh dễ bùng phát thành dịch. Bệnh có thể lây truyền và xảy ra ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, ở những nơi đông đúc như nhà trẻ, trường học...
Trẻ em bị thủy đậu
Khi mắc bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.
Mụn nước li ti - dấu hiệu đặc trưng của bệnh thủy đậu ở trẻ
Thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh Thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Để chủ động phòng tránh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau: Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường…khi xuất hiện những biểu hiện nghi mắc thủy đậu cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương