A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm sau bão lụt.

Những ngày này các địa phương và người dân trong tỉnh, đặc biệt là những nơi ngập lụt sau bão lũ đang tăng cường chiến dịch tổng vệ sinh môi trường theo phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tích cực phối hợp, hướng dẫn người dân xử lý môi trường, đặc biệt là chú ý phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

 

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) giám sát dịch tễ và xử lý môi trường ở những nơi ngập sâu thuộc các địa phương: Thanh Hồng (Thanh Hà), Hải Tân, Tân Bình, Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương), Minh Tân (Nam Sách). Qua giám sát cho thấy các cấp chính quyền và người dân đã tập trung cao độ cho việc khắc phục hậu quả sau bão số 3 và dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, cây cối, rác thải sau khi nước vừa rút. Tuy nhiên, việc xử lý môi trường, nhất là việc thu gom hoa quả, rác thải, làm sạch môi trường và tẩy uế một số rãnh nước đọng ở một số khu dân cư cần huy động tổng lực sức dân và hỗ trợ của chính quyền nhanh hơn nữa.

 Giám sát công tác vệ sinh môi trường sau bão lụt tại thôn Lập Lễ, Thanh Hồng, Thanh Hà

TP Hải Dương hiện có 02 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động thuộc địa bàn 02 xã Quyết Thắng và Tiền Tiến. Trước nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết và một số dịch bệnh truyền nhiễm nhiễm khác có nguy cơ bùng phát, vấn đề vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh phải được chính quyền thành phố quan tâm. Trung tâm Y tế, Trạm Y tế các xã, phường trên địa bàn thành phố đã ra quân dọn vệ sinh và xử lý môi trường phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ và ngập lụt.

 

Bà Đỗ Thị Bé, phố Hồng Châu, Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương chia sẻ: “Ngay sau bão số 3 mưa nhiều cùng với đó nước ở sông Sặt phía sau nhà dâng cao gây ngập lụt ở nhiều tuyến phố trong đó có phố gia đình tôi. Mặc dù nền nhà cao hơn đường trên 30cm nhưng nước vẫn tràn vào nền nhà. Ngay sau khi nước rút, mùi hôi thối, tanh của bùn vô cùng khó chịu. Gia đình tiến hành tổng vệ sinh nhiều lần, Trung tâm Y tế xử lý phun khử khuẩn toàn bộ dãy phố, cử cán bộ trạm y tế hướng dẫn tư vấn về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm…phòng chống dịch bệnh tôi và nhiều hộ gia đình ở phố vô cùng cảm kích…".

 

Thôn Lập Lễ xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà có khoảng trên 700 hộ và chủ yếu trồng bưởi và cơn bão vừa qua đã tàn phá làm các cây đổ gãy, bưởi rụng nhiều dưới gốc và rãnh nước. Theo bác sĩ Phạm Văn Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Hồng, ngay sau khi nước rút ở khu dân cư ngoài đê, địa phương và cán bộ y tế đã tăng cường các hoạt động xử lý môi trường tránh nguy cơ mầm bệnh truyền nhiễm và các bệnh sau bão lụt. Việc thu dọn vệ sinh sau bão khối lượng công việc nhiều nên thời gian tới sẽ tham mưu với chính quyền và huy động người dân đẩy nhanh tiến độ xử lý môi trường nhanh hơn nữa.

 Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị Trạm Y tế Minh Tân, Nam Sách hướng dẫn và nhắc nhở người dân xử lý các ang, chậu, vật dụng chứa nước mưa tránh để lăng quăng sinh trưởng gây bệnh sốt xuất huyết

 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nguy cơ xuất hiện dịch bệnh sau bão lũ và ngập lụt là rất cao nếu người dân và các địa phương không thực hiện nhanh việc vệ sinh môi trường xử lý rác thải, xác động thực vật… đúng hướng dẫn. Hiện toàn tỉnh còn 4 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động trong đó 02 ổ tại thành phố Hải Dương ở Tiền Tiến và Quyết Thắng; 2 ổ còn lại thuộc các xã Thanh Sơn và An Phượng, huyện Thanh Hà. Tính riêng trong tuần từ 09-15/9 đã ghi nhận 30 trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng 05 trường hợp so với tuần trong bão lụt xảy ra. Ngoài ra ghi nhận một số dịch bệnh truyền nhiễm khác như: cúm, tay chân miệng, Covid-19…

 

Nhằm khống chế và tránh để dịch bệnh truyền nhiễm sau bão và ngập lụt xuất hiện và bùng phát các Trạm y tế cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị liên quan và tham mưu với chính quyền tăng cường các hoạt động tổng vệ sinh môi trường; tổ chức thu gom xử lý xác động vật, chất thải…theo hướng dẫn; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại cộng đồng về công tác nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh thường xuất hiện sau mùa mưa bão, ngập lụt; phòng, chống tai nạn thương tích… Thiết nghĩ, cùng với sự nỗ lực của ngành y tế, chính quyền địa phương các cấp rất cần có sự chung tay và vào cuộc của tất cả người dân trong việc phòng tránh dịch bệnh sau bão lũ và ngập lụt có như vậy dịch bệnh sẽ được kiểm soát, không xuất hiện và bùng phát ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người./.

                                                                                                                                        Đức Thành

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
TIN TỨC - SỰ KIỆN